Bình Thuận: Cần bám sát vào 6 định hướng và 2 nhóm giải pháp

(PLO) - Chiều qua (21/7), Đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW (NQ 48) của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết NQ 48 làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bình Thuận.  
Cùng tham dự buổi làm việc có ông Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Đắc Lâm, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bình Thuận. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại hội nghị 
Chất lượng văn bản QPPL từng bước được nâng cao
Tại hội nghị, đại diện tỉnh Bình Thuận đã báo cáo với Đoàn công tác kết quả 10 năm thực hiện NQ 48 của địa phương. Nhận thấy việc triển khai NQ 48 là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cơ sở chuyên môn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung NQ 48 cho đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở. 
Qua đó, đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và trực tiếp thi hành pháp luật  nhận thức được mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng pháp luật cũng như tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế trong thời gian tới.
Đánh giá chất lượng văn bản ban hành từng bước được nâng cao (trong 10 năm qua không có văn bản QPPL của tỉnh ban hành trái thẩm quyền hoặc có nội dung trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên), vậy nên công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL ở địa phương cơ bản theo đúng các quy định pháp luật và đi dần vào nền nếp. 
Kết quả nổi rõ nhất là đã xây dựng, ban hành một hệ thống văn bản QPPL của địa phương từ tỉnh đến huyện tương đối hoàn chỉnh và trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt trong quản lý đất đai, thu hút đầu tư, sử dụng, thu, chi ngân sách… 
Về tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được một số thành tựu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành, áp dụng, xử lý vi phạm pháp luật, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như tuyên truyền miệng và qua tư vấn, trợ giúp pháp lý...
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai NQ 48, địa phương vẫn còn một số tồn tại và hạn chế nhất định về chất lượng văn bản QPPL, nhất là cấp huyện và cấp cơ sở, một số văn bản QPPL ban hành còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trên một số lĩnh vực, tính khả thi chưa cao, chưa thực sự bám sát và phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 
Cần tập trung vào công tác tổ chức thi hành pháp luật
Sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện NQ 48 và các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo sát sao, nghiêm túc và tiến hành tổng kết NQ 48 theo đúng chương trình, kế hoạch, tiến độ của Ban Chỉ đạo. 
Theo đó, Dự thảo Báo cáo tổng kết cơ bản đã bám sát nội dung theo đúng bố cục Đề cương hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tổng kết tại Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, đánh giá toàn diện các nhiệm vụ, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 48 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị, đề xuất được một số giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương. Tuy nhiên, nội dung của Dự thảo Báo cáo còn rất khái quát, có điểm đánh giá chưa sâu theo yêu cầu. 
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Tỉnh ủy Bình Thuận cần nêu bật trong Dự thảo Báo cáo tầm quan trọng của NQ 48, vai trò của địa phương trong việc tổ chức thực thi Nghị quyết, bám sát hơn nữa vào 6 định hướng xây dựng và 2 nhóm giải pháp về xây dựng và thi hành pháp luật đã đề ra. Bản báo cáo của địa phương cũng cần tập trung vào công tác tổ chức thi hành pháp luật. 
Từ thực tiễn của tỉnh và dưới con mắt của người dân, Báo cáo cần đánh giá nhận xét về chất lượng của hệ thống pháp luật, chất lượng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của các cơ quan Trung ương. Qua đó, phát hiện những vấn đề cần sửa lỗi, bổ sung, ban hành để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. 
Bộ trưởng Hà Hùng cường cũng nhấn mạnh những kiến nghị, đề xuất của địa phương cần đánh giá những hạn chế, yếu kém thực sự  trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện NQ 48, gửi Ban Chỉ đạo Trung ương đúng thời hạn.     
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp thu những ý kiến đánh giá, chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và khẳng  định thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục giao việc cho các cơ quan liên quan để hoàn thiện Báo cáo. Tỉnh ủy cũng sẽ có Báo cáo, đề xuất để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đọc thêm