Hiệu quả của Luật phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức hộ tịch
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta đã có những phát triển ổn định, đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, công tác xây dựng thể chế được tăng cường, việc phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch ngày càng được coi trọng; hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, nhờ đó đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, trong đó có nhiều việc có yếu tố nước ngoài; trình tự thủ tục đăng ký hộ tịch từng bước được đơn giản hóa ngày càng tạo thuận lợi cho người dân…
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, với việc dịch chuyển dân cư trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng thì công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém. “Việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch được xem là bước ngoặt quan trọng trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với những điểm mới mang tính “cách mạng”, Luật Hộ tịch khi được thực hiện hiệu quả trong thực tế sẽ có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và cả cách thức người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, giảm một cách đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính của cả người dân và cơ quan nhà nước.
Việc đăng ký đầy đủ, kịp thời tất cả các sự kiện hộ tịch của người dân (đặc biệt là việc khai sinh, khai tử, kết hôn) theo phương thức hiện đại sẽ giúp cơ quan nhà nước thống kê kịp thời, toàn diện số liệu đăng ký hộ tịch, nhiều thông tin quan trọng liên quan đến dân cư, phục vụ cho việc hoạch định chính xác các chính sách kinh tế, văn hóa, y tế, xã hội… liên quan đến người dân.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, tính hiệu quả của Luật sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. “Tầm quan trọng của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, các yêu cầu nghiêm ngặt của công tác đăng ký hộ tịch về tính khách quan, trung thực, chính xác đòi hỏi công chức tư pháp, nhất là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp và trách nhiệm, đạo đức công vụ cao, đồng thời phải luôn cập nhật những kỹ năng nghiệp vụ mới, hiện đại”.
Ngoài vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hộ tịch, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “khẩn trương kiện toàn tổ chức, cán bộ và nâng cấp cơ sở vật chất của Tư pháp cấp huyện để nhận nhiệm vụ chuyển giao từ cấp tỉnh”.
Cân nhắc cẩn trọng việc bỏ thủ tục phỏng vấn trong kết hôn với người nước ngoài
Tại hội nghị trực tuyến, ngoài việc báo cáo các công việc địa phương đã và đang chuẩn bị cho việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp.
Trước đề xuất bỏ thủ tục phỏng vấn tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, bà Trần Thị Nhanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị phải hết sức cân nhắc vì tại địa phương này, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 23 trường hợp kết hôn bị từ chối thông qua phỏng vấn. Bà Thanh cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc bắt buộc phỏng vấn khi kết hôn với người nước ngoài vẫn là cần thiết.
Mong muốn chung của các địa phương là để triển khai hiệu quả Luật Hộ tịch, cần khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là việc chuyển giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ tỉnh về cho cấp huyện.
“Điểm cốt lõi nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là phải quy định thật rõ quy trình thực hiện, cơ chế phối hợp trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong giải quyết việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ này của cấp quận không phải thực hiện dưới dạng xin - cho trong quan hệ với cơ quan khác”, bà Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tư pháp quận Cầu Giấy (Hà Nội) đề nghị.
Còn tham luận của UBND quận Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh nêu rõ: “Thành phố tăng thêm biên chế cho Phòng Tư pháp cấp huyện để có đủ nhân sự thực hiện công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác quản lý và đăng ký hộ tịch theo quy định”.
Đại diện Sở Tư pháp Hà Tĩnh cũng đề xuất: Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cần sớm xây dựng và hoàn thiện phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch phục vụ kết nối toàn quốc; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn địa phương về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; biên soạn các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và sách hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức hộ tịch; hàng năm tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực hiện công tác này và có biện pháp giải đáp kịp thời những vướng mắc về nghiệp vụ tại địa phương.