Bình thường hóa khám chữa bệnh HIV: Hạn chế rào cản kỳ thị

(PLO) - Năm 2018, Việt Nam đã chuyển đổi thành công mô hình điều trị bằng thuốc ARV cho các bệnh nhân có HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang điều trị ARV do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Theo đó, để việc chuyển đổi đạt được nhiều kết quả cao, người bệnh tuân thủ điều trị và được hỗ trợ điều trị, Bộ Y tế đã hướng dẫn các cơ sở điều trị HIV/AIDS bình thường hóa khám chữa bệnh, không có sự phân biệt kỳ thị và đảm bảo an toàn thông tin của người bệnh HIV có thẻ BHYT... 
Khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV. (Ảnh minh họa internet)
Khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV. (Ảnh minh họa internet)

Chuyển đổi thành công mô hình điều trị ARV do bảo hiểm chi trả

Do mốc thời gian tiến tới mục tiêu 90-90-90 đang rất gần, để mục tiêu này về đích đúng hẹn, ngành Y tế đang thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp nhằm phát hiện người nhiễm (hạn chế sự lây lan trong cộng đồng) và tăng cường số lượng người bệnh được điều trị ARV thông qua hỗ trợ BHYT cho người bệnh sử dụng thuốc ARV.

Trong năm 2018, ngành Y tế đã hoàn thiện các hướng dẫn về chính sách BHYT cho người nhiễm HIV, hoàn thành công tác kiện toàn các cơ sở điều trị ARV đảm bảo đủ điều kiện thực hiện thanh toán khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm.

TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay, thành tựu, kết quả nổi bật nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 là Việt Nam đã chuyển đổi thành công mô hình điều trị bằng thuốc ARV cho các bệnh nhân có HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang điều trị ARV do bảo hiểm chi trả.

Để làm tăng số người xét nghiệm HIV, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết sẽ đẩy mạnh truyền thông về lợi ích xét nghiệm và điều trị sớm HIV, quảng bá các dịch vụ xét nghiệm HIV để người dân dễ dàng lựa chọn, tiếp cận; đa dạng hóa các dịch vụ xét nghiệm, sàng lọc HIV: Xét nghiệm HIV lưu động tại các khu vực trọng điểm về HIV; xét nghiệm HIV không chuyên do các tổ chức cộng đồng thực hiện và cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt cho những người trong nhóm nguy cơ cao, hoặc vợ, bạn tình của người nhiễm HIV để họ tự làm xét nghiệm HIV,... Đồng thời, mở rộng mạng lưới phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV tuyến huyện.

“Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến và hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Các cơ sở điều trị đã rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT.

Cơ chế tham gia BHYT cho người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân đã được giải quyết trong Thông tư 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh”, TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Nhiều chính sách hỗ trợ người bệnh HIV/AIDS

Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, mặc dù nước ta đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng chống căn bệnh này, tuy nhiên khó khăn trong thực hiện đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV hiện nay là hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời, do đó đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân. Để hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018 - 2020. 

Hiện nay đã có 35/63 tỉnh, TP  được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV); 18/63 tỉnh, TP phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Có 48 tỉnh đã được đảm bảo kinh phí cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay chính sách dành cho người bệnh mắc HIV đã đồng bộ và không có rào cản cho người mắc HIV tiếp cận với nguồn thuốc ARV từ BHYT. Chỉ có một nhóm rất nhỏ không muốn dùng thẻ, hoặc họ không có giấy tờ tùy thân (khoảng 3%).

Tuy nhiên, những điều này đã được Thông tư 27 giải quyết bằng việc hỗ trợ ban hành thẻ BHYT có ảnh. Như vậy, những trở ngại về giải pháp cho người bệnh có thẻ không còn khó khăn. Khó khăn là liệu người có thẻ có dùng hay không vì sự phân biệt kỳ thị, sự phân biệt kỳ thị có thể làm hạn chế họ tiếp cận dịch vụ.

Lường trước thực tế này, ông Long cho biết, Bộ Y tế đã có ba văn bản hướng dẫn chuyên môn, tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện việc triển khai thanh toán thuốc ARV qua Quỹ BHYT tại các tỉnh, TP.

Hiện Cục Phòng chống HIV/AIDS đã hướng dẫn các cơ sở điều trị HIV/AIDS bình thường hóa khám chữa bệnh BHYT như các bệnh khác, không có sự phân biệt. Hiện nay các cơ sở điều trị có phòng khám HIV riêng biệt, nhằm tránh phân biệt kỳ thị, bác sĩ cũng tạo điều kiện khám cho người nhiễm. 

Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm, để tránh sự kỳ thị của cộng đồng, với các bệnh nhân bị HIV khi đến khám BHYT thì sẽ không tách ra luồng riêng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin của người bệnh HIV có thẻ BHYT để tránh việc họ tự kỳ thị chính mình.