Bỏ cọc đấu giá đất: Giám sát để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên

(PLVN) -  Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội, diễn ra sáng 15/2, một số ý kiến đề cập đến vụ bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm và đề nghị cơ quan Nhà nước xử lý khách quan, cẩn trọng.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 20 năm quy hoạch.

Đề nghị xử nghiêm sai phạm trong việc đưa công dân về nước

Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao QH, UBTVQH với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Trên cơ sở Nghị quyết 43 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã khẩn trương, kịp thời ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành Nghị quyết này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện, cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 43 của QH.

Cử tri và Nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, chúc Tết gia đình chính sách, người có công với cách mạng… tạo sự lan tỏa, ấm áp toàn xã hội. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước ổn định.

Cử tri và Nhân dân cũng đặc biệt quan tâm và kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm sai phạm của một số cán bộ, công chức thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân; về tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân...

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, ông Bình cho hay, qua theo dõi, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự. “Khiếu kiện liên quan đến đất đai, cưỡng chế thu hồi đất xảy ra và tập trung chủ yếu tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Nội dung chủ yếu là tố cáo liên quan đến việc triển khai, thực hiện dự án, một số đối tượng tự ý chuyển đổi, lập dự án bất động sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp để ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng, gây bức xúc cho người dân”, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết. Bên cạnh đó, công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, do nhiều Công ty chậm chi trả tiền lương, giảm thưởng Tết cho người lao động, dẫn đến công nhân tổ chức đình công, nghỉ việc phản đối, đòi quyền lợi.

Xử lý cần khách quan, tỉnh táo, cẩn trọng

Cho ý kiến tại phiên họp, nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 còn nhiều biến động khó lường, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, các đại biểu đề nghị Ban Dân nguyện và các Đoàn đại biểu QH đôn đốc các cơ quan chức năng kịp thời nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở trong phòng chống dịch, đưa

ra các hướng dẫn cụ thể về điều kiện và phương pháp điều trị, cách ly tại nhà cho bệnh nhân COVID-19; nâng mức hỗ trợ và chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch; đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với việc sử dụng thuốc chống COVID-19 đối với trẻ em…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, việc đưa vụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến mong muốn làm rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân hay chất lượng sản phẩm, quy trình đấu thầu… trong vụ việc. Đề cập đến vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, ông Thực cho rằng cần có thêm các biện pháp khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị cần làm rõ nhiều vấn đề từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.

Liên quan đến vụ bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu một số hiện tượng bất thường liên quan đến mua bán đất nổi lên gần đây như giá ký hợp đồng khác giá bán thực tế; thỏa thuận mua bán nhưng khi lập hợp đồng không chặt chẽ nên khi giá đất lên cao thì người bán không muốn bán, muốn hủy hợp đồng; hoặc có hợp đồng mua, hợp đồng bán nhưng chỉ là dòng tiền giả để tạo ra lợi nhuận, từ đó cải thiện hình ảnh của mình trên thị trường chứng khoán.

“Đây là những hoạt động không bình thường. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng khi tiếp nhận xử lý cần khách quan, tỉnh táo, cẩn trọng”. Nhấn mạnh việc này không phải việc nhỏ, Chủ tịch QH cũng đề nghị các cơ quan của QH chú ý giám sát để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, sự công bằng của các bên liên quan.

Chủ tịch QH cũng lưu ý tới một số vấn đề xảy ra trong thực tiễn và xã hội đang quan tâm như tục “bắt vợ”; tình hình sản xuất, cung ứng, tiêu thụ xăng dầu, quản lý giá… Nhấn mạnh đây vừa là công tác dân nguyện nhưng cũng liên quan tới công tác giám sát, Chủ tịch QH đề nghị Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH phải chủ động phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để làm rõ…

Ngoài ra, Chủ tịch QH đề nghị Ban Dân nguyện phối hợp cùng Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ để rà soát, lập danh mục đề xuất các vụ việc thuộc UBTVQH và các cơ quan của QH đôn đốc theo dõi, kiểm điểm hàng tháng, báo cáo kết quả thực hiện với QH và cho ý kiến thảo luận để đưa vào Nghị quyết chất vấn của QH.

Đọc thêm