Bộ Công an không nên "né" điểm bất hợp lý trong sửa CMTND

 
Hiến pháp và pháp luật trong quá trình thực thi nếu không phù hợp, không điều chỉnh được các quan hệ xã hội mới phát sinh, thì phải chỉnh sửa. Nghị định và Thông tư về Chứng minh nhân dân (CMND) là những văn bản dưới luật, cũng không ngoại lệ nếu có điều bất hợp lý hoặc thiếu khả thi.
 
[links()]Bộ Công an là cơ quan soạn, trình dự thảo Nghị định, đồng thời ban hành Thông tư 27, với quy định ghi tên cha, mẹ trên CMND. Nhưng, mới đây trả lời báo chí, đại diện Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, lại nói rằng: “Việc này không phải Bộ Công an quy định mà chỉ thực hiện theo Nghị định của Chính phủ…”.
Ảnh: Mẫu CMND mới thực sự là tâm điểm của dư luận và công luận suốt gần tháng nay.
Mẫu CMND mới là tâm điểm của dư luận gần 1 tháng nay.
Lỗi từ "ý tưởng"
Thông tư  27/2012/TT-BCA của Bộ Công an là văn bản cụ thể hóa Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND và Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05. Tuy nhiên, ai cũng hiểu từ dự thảo, sau đó thành Nghị định và Thông tư, với quy định công dân phải công khai danh tính cha, mẹ trên CMND… là ý tưởng, đề xuất từ phía Bộ Công an.
Như vậy, có thể khẳng định, Nghị định không tự dưng “sinh ra” mà Chính phủ phải căn cứ “Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an” - cơ quan có chức năng tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này để ban hành 2 Nghị định về CMND, trong đó có quy định đang gây bức xúc dư luận, bởi sự bất khả thi như những gì mà loạt bài của PLVN từng phân tích, phản ánh gần 1 tháng qua.
“Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”, Trích Điều 38, Bộ luật Dân sự 2005.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Bộ Công an không chỉ chủ trì soạn thảo nội dung dự thảo Nghị định mà ngay cả việc sửa đổi Nghị định khi có điểm bất hợp lý cũng xuất phát từ Bộ này.

Rất dễ nhận ra trong phần căn cứ để ban hành Nghị định 170/2/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về CMND - vẫn có câu: “Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an”.

Sửa nhưng vẫn… sót?
Không phải tới giờ này, việc sửa đổi các quy định về CMND mới được đề cập mà cách đây hơn 4 năm, Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND sau 8 năm có hiệu lực thi hành cũng từng được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, Nghị định 05 về CMND đã quy định: Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đường kính 1,9cm; ảnh của người được cấp kích cỡ là 3x4 cm. Những sau đó, Nghị định 170 đã sửa đổi: đường kính Quốc huy là 14 mm, kích cỡ ảnh của người được cấp rút xuống còn 20x30 mm. Ngoài ra, Nghị định 170 còn bổ sung thêm nội dung về “dân tộc” của người được cấp CMND - một thông tin mà trước đó không được đề cập trong Nghị định 05… 
Viện dẫn những thông tin này để thấy rằng, cái gì không phù hợp thì phải xem xét, điều chỉnh bởi điều đó không chỉ làm tăng tính khả thi của một văn bản mà là quy định đã được luật hóa trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Đối với quy định công khai tên cha, mẹ trên CMND dù chưa triển khai trên diện rộng, nhưng đã vấp phải sự phản ứng trong dư luận, bởi nó trái với Điều 16 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em 1989 mà Việt Nam đã ký kết; vi phạm quyền bí mật đời tư của công dân được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005.
Chính vì lẽ đó, hầu hết các ý kiến khi được hỏi đều “bỏ phiếu chống” đối với quy định này, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an cần xem xét, hủy bỏ quy định này. Vì thực tế, không chỉ những văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư mà ngay cả các văn bản luật như Hiến pháp và luật nếu trong quá trình thực thi không phù hợp, không điều chỉnh được các quan hệ xã hội mới phát sinh thì cũng phải chỉnh sửa.
Như đã thông tin, sau khi PLVN phát hiện, đăng tải loạt bài nói về những bất hợp lý của mẫu CMND mới, ngày 10/8/2012 Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản số 151/KTrVB kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong đó nhấn mạnh: “Nếu xét thấy cần thiết, Bộ trưởng có thể đề nghị Chính phủ xem xét nội dung quy định về việc ghi tên cha, mẹ của công dân vào CMND tại Nghị định số 05 và Nghị định số 170”.
Vẫn vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, Bộ Công an là cơ quan dự thảo Nghị định và ký ban hành Thông tư 27, vì vậy phải thẳng thắn đề xuất sửa đổi nếu thấy không ổn. Bộ Công an có thể kiến nghị sửa một điều hoặc một số điều trong Nghị định và theo đó Thông tư 27 cũng sẽ phải thay đổi.
Tuy nhiên, Bộ Công an cũng có thể có quyền bảo lưu quan điểm của mình và khi ấy, trách nhiệm sẽ thuộc về Bộ Tư pháp - cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về vấn đề thi hành và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Tuấn Anh – Thanh Quý

Đọc thêm