Học sinh thêm căng thẳng
Như vậy, cùng với một số cuộc thi khác, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng. Dự kiến bỏ việc cộng điểm học nghề khi xét tuyển vào lớp 10 đang tạo ra những tâm lý khác nhau giữa học sinh, phụ huynh và thầy cô. Theo quy chế cũ, Bộ GD-ĐT giao cho các Sở quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10. Tùy theo mỗi tỉnh/thành phố, mức điểm cộng khuyến khích có thể lên đến 2 điểm nếu học sinh đạt giải cấp tỉnh, thành phố trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9. Đối với học nghề, học sinh được cộng 1,5 điểm nếu đạt chứng chỉ loại giỏi và 1 điểm với chứng chỉ loại khá. Còn theo quy chế mới, Bộ GD-ĐT sẽ không giao cho các sở quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích, tức là tất cả những điểm khuyến khích nói trên có thể sẽ không còn được áp dụng.
Theo quy định, học sinh cấp trung học cơ sở có 70 tiết học nghề, được phân bổ vào cuối lớp 8 và đầu lớp 9. Theo kế hoạch, vào ngày 18/1 này, các em học sinh tại Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi lấy chứng chỉ nghề. Mặc dù mới là dự thảo, nhưng quy định mới được đưa ra vào thời điểm này đã ít nhiều gây ra tâm lý xáo trộn cho học sinh cuối cấp. Nhiều thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh cho rằng, học sinh lớp 9 năm nay ở nhiều địa phương sẽ bị thiệt thòi so với học sinh lớp 9 trước đây. Bởi đầu tư không ít thời gian, kinh phí để học và thi lấy chứng chỉ nghề mà giờ lại bỏ cộng điểm vào lớp 10 sẽ rất lãng phí.
Trường nghề sẽ phải thay đổi?
Tuy nhiên, ở góc độ đồng tình với chủ trương của Bộ GD-ĐT, nhiều thầy cô giáo, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, mục đích ban đầu của học nghề ở phổ thông là để phân luồng và hướng nghiệp nhưng trên thực tế, học sinh tham gia học nghề chỉ để cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, bỏ cộng điểm khuyến khích cũng là cách để các trường phổ thông đánh giá đúng năng lực đầu vào của học sinh trong tuyển sinh đầu cấp. Mặt khác, một thầy giáo chia sẻ, bỏ điểm cộng thi nghề cũng góp phần phân luồng ngay từ bậc THCS được tốt hơn. Nếu học sinh A lẽ ra không đỗ vào lớp 10, nhưng vì có điểm cộng thi nghề nên em đã trúng tuyển. Do đó, nếu học sinh A không có điểm cộng, thì có thể em đó sẽ chuyển sang học nghề để phù hợp với năng lực và sở trường hơn mà vẫn có thể học bổ túc văn hóa. Tuy nhiên, vì có điểm cộng nghề nên học sinh A vẫn lên lớp 10, nhưng kết quả học tập sẽ không cao. Và sau 3 năm học THPT, em đó vẫn phải đi học ở một trường nghề.
Có thể nói, việc điều chỉnh quy chế bỏ cộng điểm vào điểm thi lớp 10 là chủ trương đúng để hướng đến một nền giáo dục thực chất. Lâu nay, học sinh nào cũng được cộng thì việc bỏ đi điểm cộng ấy vẫn giữ nguyên giá trị của kết quả học tập. Bởi ai cũng được cộng 1.5-2 điểm thì đâu cần thiết mất thời gian cho kì thi ấy. Thậm chí việc thi nghề còn dẫn đến hiện tượng tiêu cực chạy điểm loại giỏi học nghề nhằm được cộng điểm tối đa khi thi vào lớp 10.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, thầy ủng hộ với dự thảo mới. Bởi tuyển sinh vào lớp 10 nhằm đánh giá trình độ của học sinh, đánh giá kiến thức, để sàng lọc, phân loại HS có khả năng để theo học tiếp THPT. Vì thế, nếu sử dụng quá nhiều điểm cộng khác để xét tuyển thì không chính xác. Theo thầy Bình, không nên dùng kết quả học nghề để cộng điểm xét tuyển khi thi vào lớp 10.
Trước ý kiến cho rằng, khi Bộ GD-ĐT thực hiện quy định bỏ cộng điểm nghề các trung tâm dạy nghề sẽ không thu hút được người học. Thầy Bình cho rằng, để thu hút người học, tự các trường nghề phải nâng cao chất lượng và cơ sở vật chất, đặc biệt, cần phải cập nhật những nghề mới của xã hội. Đồng thời, các trung tâm dạy nghề phải để người học thấy việc học ở trung tâm sẽ giúp ích cho công việc tương lai của họ.
Thầy Bình cũng chỉ ra thực tế, lâu nay Bộ GD-ĐT áp dụng quy chế cộng điểm nghề vào kỳ thi lớp 10 nên học sinh THCS tự nguyện đến các trung tâm dạy nghề để học. Do đó, hàng năm các trung tâm này đều có một lượng học sinh nhất định đến đăng ký học nghề nên không có nhiều sự thay đổi về phương pháp dạy và học.
“Hãy để các trường nghề tự thay đổi, tìm kiếm công việc xã hội cần để tồn tại và phát triển. Khi việc học nghề đáp ứng được xu hướng, yêu cầu phát triển của xã hội thì vẫn thu hút được học sinh tham gia, đồng thời trả lại đúng ý nghĩa, mục đích của đào tạo nghề. Hơn nữa, các cuộc thi đôi khi cũng chạy theo bệnh thành tích, học và thi nghề trở thành hình thức để hợp thức hóa điểm số, vì thế trong quá trình sửa đổi nên bỏ cộng điểm nghề thi vào lớp 10 để quy định này không làm méo mó mục đích của dạy nghề phổ thông” - thầy Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo thầy Bình, Bộ GD-ĐT nên có lộ trình thông báo trước để phụ huynh, học sinh, nhà trường không bị bất ngờ, lúng túng trong việc xác định mục tiêu học tập, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh.