Bộ Công thương kiến nghị 'gỡ khó' trong tiêu thụ nông sản giữa dịch

(PLVN) - Đó là một trong những kiến nghị của Bộ Công Thương trong Công văn số 901/BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bộ Công Thương cho rằng cần thống nhất về lưu thông hàng hóa, phương tiện giữa địa phương giáp ranh vùng dịch.

Công văn nêu rõ, trong quá trình lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã gặp một số vướng mắc. Những khó khăn, vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương. 

Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. 

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay; chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch Covid-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Ngoài ra, Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch Covid-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh; làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh. 

Trong Công văn này, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông - lâm - thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông - lâm - thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông - lâm - thủy sản; cung cấp thông tin cho ngành Công Thương về hàng hóa nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh để kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Các địa phương cần quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt, cam kết không để tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” diễn ra trên địa bàn; các địa phương có dịch và địa phương giáp ranh chủ động liên hệ làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kinh nghiệm (như Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Quảng Nam…) để tổ chức các mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của mình bảo đảm phòng chống Covid-19 hiệu quả. 

Đồng thời cần chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng các loại nông sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế việc tồn ứ nông sản trên địa bàn; các địa phương có dịch đẩy mạnh truyền thông về chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn do ngành nông nghiệp và y tế xác nhận (bao gồm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh) để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. 

Sẽ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản/tuần

Ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16/2/2021, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như: Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MM Mega Market… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua khoảng 100 tấn/tuần rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần. MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết từ ngày 18/2/2021 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương và đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi). Đồng thời sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.

Bộ Công Thương cũng đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Đọc thêm