Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động hơn nữa theo dõi sát thông tin thị trường trong và ngoài nước để có kế hoạch kinh doanh phù hợp; tăng cường công tác tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động; cân đối đủ nguyên liệu, vật tư cho sản xuất; đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất thép các thành viên Hiệp hội trong năm 2017 vừa qua đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, đạt 21,062 triệu tấn, tăng 24,3% so với năm 2016. Bán hàng thép các loại đạt gần 18 triệu tấn, tăng 20,7% so với năm trước.
Để tiếp tục hỗ trợ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp thép trong nước phát triển, phù hợp với các quy định tại các Hiệp định thương mại tự do, và Hiệp định có liên quan của WTO, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay trong năm 2018, Hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) và các doanh nghiệp để theo dõi diễn biến các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép.
Hiệp hội Thép cũng khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam giữ vững đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, tích cực phối hợp khi được thẩm tra.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Sưa, nhìn chung, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép năm 2017 của các doanh nghiệp thành viên đạt tăng trưởng khá so với năm 2016, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.