Bỏ đề xuất tăng lương nhà giáo: Không chỉ thầy cô tiếc nuối

(PLO) - Thông tin về việc bỏ chính sách lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung đang gây ra sự tiếc nuối trong dư luận, bởi đây là hai chính sách hết sức quan trọng đối với không chỉ nhà giáo…

Bỏ đề xuất tăng lương, không chỉ thầy cô hụt hẫng. (Ảnh minh họa)
Bỏ đề xuất tăng lương, không chỉ thầy cô hụt hẫng. (Ảnh minh họa)

Khó hút thí sinh giỏi

Hai đề xuất trên là những nội dung quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đang được xem xét, thảo luận tại Quốc hội. Lý do hai cơ quan quản lý nhà nước này (Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ) bác bỏ vì cho rằng lương và phụ cấp của giáo viên hiện đã ở mức cao nên lo ngại nguy cơ tăng lương sẽ  phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề...

Còn với việc miễn học phí tới học sinh THCS cũng được lý giải là không phù hợp vì tới năm 2020 mới thực hiện chương trình giáo dục mới bắt buộc, và nếu dừng thu học phí sẽ làm tăng chi ngân sách trong khi ngân sách còn nhiều khó khăn. Tuy  nhiên, Chính phủ cũng đã khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu để hai chính sách này vẫn được thực hiện, có nghĩa sẽ không luật hóa mà có thể sẽ triển khai bằng các văn bản dưới luật. Song nhiều nhà giáo vẫn cho rằng, khi được luật hóa thì thầy cô yên tâm và thỏa đáng hơn bởi người thầy không chỉ dạy học mà còn mang sứ mệnh “trồng người”…

Trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, không dễ để thực hiện miễn học phí tới hết bậc THCS và tăng lương cho giáo viên vào lúc này bởi chế độ lương và phụ cấp hiện nay đã thể hiện sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo, nhất là khi ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn. Hiện chi cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 8,3% GDP, thuộc vào những nước cao của thế giới, trong đó, chi từ ngân sách là 5% (60% tổng chi) và từ đóng góp của người dân là 3,3% (40% tổng chi). Nếu thực hiện tăng lương giáo viên và miễn học phí tới bậc THCS sẽ khiến ngân sách phải chi thêm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nếu không tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS thì có thể dẫn tới những hệ lụy lớn hơn nhiều trong tương lai, bởi giáo dục là động lực lớn bậc nhất cho sự phát triển của đất nước. Khi mà thời gian qua, dư luận cả nước cũng đã đồng cảm và chia sẻ câu chuyện của nữ giáo viên mầm non khi nhận quyết định nghỉ hưu đã bật khóc khi thấy lương hưu sau mấy chục năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” chỉ là 1,3 triệu đồng, không thể bảo đảm mức sống tối thiểu. Thu nhập nhà giáo thấp so với mặt bằng chung của xã hội là một nguyên nhân quan trọng các trường sư phạm khó thu hút thí sinh, dẫn tới thực tế điểm chuẩn rất thấp. Điểm chuẩn nhiều trường đại học sư phạm chỉ ở mức điểm sàn, trong khi chỉ cần 3 điểm mỗi môn là có thể vào trường cao đẳng. Chất lượng đầu vào như vậy thì làm sao có những thầy cô giỏi dạy dỗ học trò sau này…

Chính bởi thế, Bộ GD-ĐT vừa đề xuất là từ mùa tuyển sinh năm 2018, các trường đào tạo giáo viên chỉ tuyển học sinh có học lực giỏi vào trường. Tuy nhiên, đề xuất này khó trở thành hiện thực được vì học sinh giỏi khi đăng ký vào học một trường, ngành nghề nào đó sẽ xem xét là ngành đó tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có được việc làm như thế nào, mức lương ra sao. Trong khi đó, hiện nay, lương của giáo viên còn thấp, chưa được tăng. Sinh viên sư phạm ra trường rất khó xin được việc làm, hoặc làm trái ngành nghề rất nhiều. Chưa kể, với việc 500 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) có nguy cơ mất việc làm càng khiến thí sinh e ngại…

Nên tăng lương trước cho giáo viên ở vùng khó khăn

Trước nhiều ý kiến đề xuất tăng học phí để lấy đó là nguồn thu phục vụ tăng lương cho giáo viên, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm nêu quan điểm: “Khi ngân sách nhà nước chưa đủ để đồng loạt tăng lương cho giáo viên thì Quốc hội nên xem xét trước tiên là tăng lương ở một bộ phận giáo viên giảng dạy ở những khu vực, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Còn những giáo viên đang giảng dạy ở các tỉnh, thành phố lớn thì nên giãn tiến độ, kéo dài thời gian tăng sau”.

Bên cạnh đó, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ ngạc nhiên khi hai chính sách này bị bác bỏ. Theo GS Phạm Minh Hạc, một số cán bộ hành chính và một số ngành nghề khác, họ sống không phải từ lương mà có cả lương + thưởng + phụ cấp, gọi chung là thu nhập. Thu nhập này ở nhiều ngành nghề khá cao.

Trong khi đó, thu nhập của giáo viên thì hiện nay thấp nhất trong các ngành, dù trên giấy tờ thì lương ngành Giáo dục đứng thứ 14/28 ngành. Các ngành khác còn có khoản nọ, khoản kia, thu nhập bên ngoài, trợ cấp, phụ cấp này khác, còn giáo viên thì không có gì ngoài lương. Thưởng Tết các ngành khác có tiền triệu, thậm chí vài chục triệu, vài trăm triệu thì giáo viên chẳng bao giờ có.

Do đó, quan điểm của GS Hạc đưa ra, giáo viên không chỉ được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà còn cần phải có thang bảng lương đặc thù dành riêng, bởi giáo viên là một nghề gắn với trình độ chuyên môn đào tạo và với một loại hình lao động đặc thù.

Và ở góc độ khác, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tich Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng: Hai Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, một gác cửa về tài chính, một gác cửa về nhân sự, cái mà họ lo là đúng. Tuy nhiên, các tư lệnh ngành phải có nhiệm vụ giúp cho Chính phủ, Đảng thực hiện đường lối ý tưởng, tìm cách kêu gọi sáng kiến từ mọi người để đưa ra cách giải quyết chứ không phải phản đối như vậy.

Trong Nghị quyết 29, lương giáo viên được xếp cao nhất, các tư lệnh ngành phải có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này, chứ không thể nói chung chung là ngân sách không đủ hay chờ  đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp. Tại sao chúng ta phải đưa tiền lương giáo viên lên cao nhất?

Thực tế, việc nâng dần tiền lương của các ngành là điều tất yếu cần làm trên con đường phát triển của đất nước. Chưa kể tới, ngành Giáo dục là ngành đặc thù, có nhiệm vụ đào tạo ra những thế hệ tương lai, quyết định vận mệnh của dân tộc. Dù trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, robot có thể làm thay đổi nhân lực của nhiều ngành, nhưng ngành Giáo dục thì không, vì giáo dục không chỉ là dạy kiến thức mà còn dạy làm người.

TS Lâm nhấn mạnh: Bất kỳ quốc gia nào muốn cất cánh đều phải bắt đầu từ giáo dục. Các trường học không tạo ra robot nhưng sẽ tạo ra những người thông minh để làm ra robot. Vì thế, TS Lâm cho rằng cần đề cao vị trí của nhà giáo mới có thể thu hút người tài. Nhưng với đồng lương, chính sách đãi ngộ như hiện nay, thử hỏi, có ai giỏi vào làm giáo dục?... 

Trước đó, GS.VS Đào Trọng Thi, người từng rất tâm huyết với hai chủ trương xin tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS cũng từng nói, nếu nhiều người hiểu được rằng, muốn chất lượng của con cháu chúng ta sau này được nâng cao, trước hết phải chăm lo đời sống nhà giáo. 

Có thể nói, những hệ lụy tiêu cực trong giáo dục hiện nay, khi ở đâu đó, những giá trị về tình thầy trò đang bị đảo lộn, thầy cô không còn là tấm gương trong trẻo, tận tụy với nghề cũng bởi rất nhiều thế hệ sau này là những thầy cô “chuột chạy cùng sào” mới vào Sư phạm và thậm chí là những thầy cô có điểm đầu vào 3 điểm/môn thi… 

Đành rằng, không ít thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, dù cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng khi bước  vào lớp học, tất cả những khó khăn, vất vả được gác lại ngoài cửa lớp, trước những ánh mắt đầy khát vọng, chỉ là tri thức, sự độ lượng và cái tâm trong trẻo của người thầy. Bởi nghề giáo, không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà mỗi thầy cô chỉ có thể đến và ở lại trong tâm trí học trò mình suốt cuộc đời, bằng chính trái tim và tình yêu nghề tha thiết mà thôi… Và việc tăng lương cho thầy cô là phần nào trả lại vị thế đúng nghĩa của người thầy: nghề giáo, nghề cao quý và đáng trân trọng và truyền thống tôn sư trong đạo của người Việt…

Đọc thêm