Sẽ không “cào bằng”?
Mới đây, Bộ GD&ĐT xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Điều khoản quy định về chế độ tiền lương trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 đã có nội dung mới.
Cụ thể, Điều 81 về tiền lương trong dự thảo nêu cần sửa đổi: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”
Theo báo cáo thực hiện chính sách tiền lương mới nhất của Bộ GD&ĐT, tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ sở giáo dục do ngân sách nhà nước bảo đảm, đang ở mức từ 3,2-10,8 triệu đồng/tháng. Theo đó, lương giáo viên hiện nay được chia làm 3 mức. Mức thấp tập trung chủ yếu ở số giáo viên mới ra trường, khởi điểm là 3.264.300 đồng. Mức thu nhập cao tập trung ở số giáo viên đã công tác được khoảng trên 25 năm, dao động từ 9.183.720 đồng đến 10.876.320 đồng.
Do được ưu đãi vùng miền nên lương và thu nhập của giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cao gần gấp đôi lương giáo viên đang công tác vùng thuận lợi. Tuy nhiên, phụ cấp thu hút (70%) chỉ được hưởng tối đa 5 năm trong cả quá trình công tác.
Hơn nữa, theo Bộ GD&ĐT, mức lương cơ sở hiện khá thấp, không khuyến khích và thu hút được người tài vào làm việc tại các cơ sở giáo dục. Việc thực hiện cơ chế tiền lương như hiện nay là người làm việc càng lâu năm, càng lớn tuổi thì mức lương càng cao, trong khi đó cán bộ trẻ có trình độ, có năng lực chuyên môn và tâm huyết với công việc nhưng hệ số lương thấp. Chính điều này không khuyến khích người trẻ cống hiến.
Bởi lẽ việc nâng bậc lương theo các quy định hiện hành, chủ yếu dựa vào thâm niên, chưa chú trọng kết quả công việc, xảy ra hiện tượng cào bằng, đến hẹn lại lên, không khuyến khích người tích cực.Từ đó, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang, bảng lương riêng cho giáo viên. Bên cạnh đó, lương giáo viên cũng được xác định theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng hiệu quả của công việc, chứ không cào bằng như hiện nay.
Cần có lộ trình kỹ lưỡng
Theo ông Trịnh Ngọc Thạch nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì đây là dự thảo đúng đắn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đặt vấn đề tăng lương cho giáo viên trong điều kiện hiện nay là phù hợp, tuy nhiên việc tính toán lộ trình phải rất kĩ lưỡng.
Ông Trịnh Ngọc Thạch cho biết, đề xuất tăng lương cho giáo viên là dự thảo lần 2, thuộc một trong ba vấn đề được Bộ GD&ĐT xin ý kiến Chính phủ, nếu được đồng ý mới đưa vào được.
Theo ông Thạch, nếu ngân sách nhà nước không có điều kiện để tăng lương đồng loạt thì có thể tăng ưu tiên mầm non, tiểu học trước giảng viên đại học, tăng lương vùng khó khăn trước đô thị. Chẳng hạn vùng này có thể sau 6 tháng nữa phải tăng nhưng ở vùng thành phố chưa khó khăn, vài năm nữa mới tăng. Như vậy, vùng này sẽ bù cho vùng kia. Ngoài ra, các chế độ khác như phụ cấp nhà giáo và thâm niên vẫn phải đảm bảo cho đời sống giáo viên.
Về đề xuất cách thức tăng lương giáo viên như thế nào trong thang bảng lương, theo ông Thạch, yếu tố kĩ thuật này phải chờ Bộ Tài chính thực hiện. Thực tế, việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo mức độ phức tạp của công việc (chẳng hạn: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu. Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 2 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33...) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.
Trước thực tế, tiền lương và các chế độ đãi ngộ thấp với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ, có trách nhiệm, làm việc tận tâm, chất lượng và hiệu quả nhưng lại cao đối với cán bộ, công chức, viên chức dù có đủ bằng cấp nhưng lại không đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công việc. Đánh giá về điều này, ông Thạch cho biết, xét một cách công bằng, nhiều năm vừa qua, lương của giáo viên không đến nỗi quá thấp so với nhiều ngành nghề khác. Chỉ có điều mức lương ấy so với mức sống còn chênh lệch khiến họ lâm vào tình trạng quá lo lắng cho cuộc sống và phải đi dạy thêm, làm thêm. Và các cấp học khác nhau, có mức lương khác nhau.
Trước đề xuất mức lương cho từng ngành, chẳng hạn lương giáo viên ngạch công an, quân đội có mức riêng và cao nhất, ông Thạch cho hay, công an, quân đội có thang bảng lương riêng. Vì thế, lương của giáo viên cần cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, nhưng không có nghĩa có thể cao như hai khối đặc thù trên. Ông Thạch cho rằng, đây là một chính sách cực kì lớn, do đó nếu làm được thì rất tốt và có ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên, chỉ một thay đổi rất nhỏ nhưng có thể tăng đến hàng nghìn tỉ nên cần phải làm rất cẩn thận.
Đồng thời, trước băn khoăn về việc tạo đồng thuận xã hội trong bậc lương hành chính sự nghiệp, ông Thạch cho rằng: Nghề giáo và nghề thầy thuốc là hai ngành rất quý trọng trong xã hội, nếu tăng được cho cả hai nghề sẽ rất tốt. Chính phủ sẽ phải xem xét để ưu tiên cho ngành nghề nào trước. Tuy nhiên, nếu người thầy giáo mà khổ sẽ dẫn đến nhiều nỗi khổ khác khi lương nhà giáo quá eo hẹp.
Nói về vấn đề tăng lương cho giáo viên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, Nghị quyết Trung ương 2 khoá XIII từ năm 1996 đã khẳng định điều này nhưng 20 năm qua chúng ta chưa thực hiện được.
Theo GS Đào Trọng Thi, lao động của giáo viên cũng là lao động đặc thù, ngành giáo dục cũng là ngành đặc thù. Lương của công chức, viên chức hiện nay như nhau nhưng thu nhập thì giáo viên thấp nhất, bởi đại đa số họ không có thu nhập nào khác ngoài lương. GS Đào Trọng Thi cho rằng tăng lương cho giáo viên và giảm học phí là một trong những đề xuất đặc biệt quan trọng. Do vậy, nếu được Chính phủ đồng ý và trình Quốc hội thông qua thì đây là tiến bộ lớn, là “cách mạng” trong chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.