Áp lực công việc cao, quá tải về cường độ lao động
Với sự tham gia của 165 cán bộ quản lý, GVMN đến từ 30 Sở GD&ĐT địa phương, hội thảo là nơi để chia sẻ những khó khăn của GVMN; những điểm bất cập trong việc thực hiện chính sách, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn về thời gian làm việc, chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên mầm non.
Chia sẻ về khó khăn địa phương, bà Trần Thị Tố Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, tỉ lệ bình quân giáo viên/lớp của tỉnh khá thấp so với các tỉnh lân cận. Điều đó dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về cường độ lao động cho giáo viên, nhân viên ở một số trường, đặc biệt là ở vùng khó khăn.
Tỉ lệ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép cao (41,5%), có nhiều điểm trường (toàn tỉnh có 174 trường mầm non nhưng có tới 857 điểm trường) khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo cũng như bố trí, sắp xếp giáo viên.
Cùng chung khó khăn trên, bà Trần Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Thái Nguyên) chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay, trong điều kiện thực tế số trẻ đến trường mầm non tăng nhanh và số lượng giáo viên biên chế được giao còn thiếu nhiều so với quy định. Nếu tính định mức theo Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, tại thời điểm 12/2018, Thái Nguyên thiếu khoảng 1.900 biên chế GVMN.
Đội ngũ nhân viên nấu ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu để phục vụ hoạt động nuôi dưỡng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đối với các trường mầm non có tổ chức cho trẻ ăn bán trú, ngoài việc chăm sóc giáo dục trẻ, cán bộ quản lý và giáo viên đều phải trực trưa để theo dõi trẻ trong giờ ngủ (140-150 phút/ngày).
Theo Điều lệ trường mầm non, hoạt động chăm sóc giấc ngủ là một trong những nhiệm vụ của giáo viên, vì vậy địa phương không có cơ sở để huy động xã hội hóa trả tiền công cho việc trông trẻ buổi trưa, bà Thúy nêu ý kiến.
Số giờ làm thực tế vi phạm Bộ luật Lao động
Đánh giá về việc thực hiện chế độ làm việc đối với GVMN, ông Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Tuyên Quang) nhấn mạnh: “Số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày), vi phạm Bộ luật Lao động, do sáng phải đến đón trẻ sớm và chiều muộn khi phụ huynh đón hết trẻ mới được ra về nhưng chưa được tính thêm làm ngoài giờ”.
Không chỉ việc quy định định mức giáo viên/nhóm, lớp tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 gây khó khăn cho công tác tham mưu và triển khai thực hiện ở địa phương do quy định định mức “tối đa” là 2,5 đối với nhà trẻ và 2,2 đối với mẫu giáo, nhưng lại không quy định định mức tối thiểu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) khẳng định, trong những năm qua giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là kết quả của việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi; mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng; đội ngũ giáo viên tăng cả về số lượng và chất lượng… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục mầm non nói chung và đội ngũ GVMN nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong tháo gỡ những khó khăn về thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên mầm non, ông Minh đánh giá các giải pháp của địa phương hiện nay được vận dụng đa dạng, linh hoạt không mâu thuẫn với quy định, mở cơ chế cho cơ sở, huy động và sử dụng nguồn lực từ xã hội. Bên cạnh đó nhiều địa phương đã vận dụng các văn bản, quy định để có thêm chính sách cho giáo viên.
Những đề xuất, kiến nghị của địa phương về việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về chế độ làm việc, định mức giáo viên/lớp của GVMN; bổ sung quy định về chế độ làm thêm giờ, chế độ trực trưa đối với GVMN, thời gian sinh hoạt chuyên môn của GVMN; điều chỉnh lại hạng ngạch GVMN phù hợp với Luật Giáo dục 2019… sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp thu, nghiên cứu để đưa ra những giải pháp nhằm phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới.