Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đẩy mạnh xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại điện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá sách giáo khoa, mở rộng về số lượng đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa và nâng cao chất lượng sách, phục vụ tốt nhất cho các đối tượng sử dụng.
Các giáo viên sẵn sàng giảng dạy theo bộ sách giáo khoa lớp 2 mới.
Các giáo viên sẵn sàng giảng dạy theo bộ sách giáo khoa lớp 2 mới.

Hôm qua (20/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Cử tri còn băn khoăn, bức xúc

Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là vấn đề lớn, lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ. Việc biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.

Sau khi triển khai chương trình SGK phổ thông mới, dư luận đã có nhiều ý kiến: SGK môn Tiếng Việt lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 còn nặng so với chương Chương trình 2006; cử tri băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc trong in ấn, phát hành SGK và giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 cũ; phản ánh gay gắt về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh (bộ SGK Cánh Diều) có một số ngữ liệu đưa vào sách chưa phù hợp… Các nội dung này đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu nghiêm túc và có những giải pháp bổ sung trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1 có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước.

Ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, nhiệm vụ mới, tập huấn với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên, trong khi đó Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên, nhà trường tự chủ nhiều hơn; cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình nên có biểu hiện lo lắng...

Ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là “dạy người”

Theo kết quả từ các địa phương, sau một năm thực hiện chương trình SGK phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018), tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra và yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cách tiếp cận trong việc xây dựng Chương trình GDPT 2018 khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành. Đó là chuyển từ Chương trình định hướng nội dung sang Chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Trong việc tổ chức việc biên soạn, thẩm định SGK: Chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã bước đầu có kết quả tích cực; đã có 5 NXB với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định 5 bộ SGK lớp 1, 3 bộ SGK lớp 2, 3 bộ SGK lớp 6 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng…

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá SGK, mở rộng về số lượng đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản SGK và nâng cao chất lượng SGK phục vụ tốt nhất cho các đối tượng sử dụng. Tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn phí sử dụng SGK, tài liệu học tập, đặc biệt đối với các em học sinh tiểu học nhằm hiện thực hoá quy định tại Luật Giáo dục 2019 về việc thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Trong năm học sắp tới, lấy thực hiện mục tiêu ưu tiên số 1 của GDPT là dạy người, dạy đạo đức, phát huy năng lực tự học, tạo nền tảng để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Chương trình đổi mới GDPT lần này rất sâu sắc, triệt để và toàn diện. Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát trên phương diện quản lý nhà nước để làm tốt trách nhiệm của mình, lưu ý rà soát các cơ chế chính sách, tăng cường thu hút các nhà giáo, các chuyên gia tốt tham gia vào công việc biên thảo để có được bản thảo SGK một cách tốt nhất… Trong quá trình triển khai, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc thực tế…

Sẽ có những môn học không cho điểm

Bộ GD&ĐT vừa có quy định mới về việc đánh giá học sinh trung học, trong đó nhiều môn học sẽ không cho điểm. Nội dung này sẽ được áp dụng với lớp 6 theo chương trình và SGK mới trong năm học này.

Theo đó, có 6 môn học không cho điểm: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ không cho điểm (cả đánh giá thường xuyên và định kỳ), chỉ đánh giá bằng nhận xét với 2 mức: Đạt và Chưa đạt.

Những môn học còn lại sẽ được đánh giá bằng điểm số, kết hợp nhận xét. Cách đánh giá được thực hiện bằng điểm rèn luyện tương ứng với các yêu cầu về học tập trong chương trình; Điểm rèn luyện và điểm học tập đều được xếp loại theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Thông tư chính thức có hiệu lực từ năm học mới này khi áp dụng chương trình và SGK mới: Năm đầu tiên áp dụng ở lớp 6 năm học 2021 - 2022; năm 2022 - 2023 đối với lớp 7 và 10; năm 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11; năm 2024 - 2025 đối với lớp 9 và 12.

Đọc thêm