Giải trình về vấn đề một số trường tư thục vừa qua tuyển sinh “lạ”, tuyển khối C cho ngành kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay, theo quy định tổ hợp tuyển sinh mới phải bảo đảm phù hợp yêu cầu của ngành đào tạo đó, trong đó có ít nhất môn Toán, Văn; mỗi ngành không có quá 4 tổ hợp. “Như vậy, về mặt pháp lý đã rõ. Các trường khi đưa ra tổ hợp “lạ”, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với các trường, đã nêu rõ quan điểm, nếu trường nào không thực hiện nghiêm túc thì Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra và có giải pháp xử lý. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là ngành đào tạo phải bảo đảm chất lượng, sinh viên ra trường phải có việc làm” - Thứ trưởng Phúc nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, công bố rất công khai, minh bạch về việc những trường nào không thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh.
Về vấn đề lương giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ kiên trì kiến nghị Chính phủ nâng lương cho giáo viên. Hiện nay lương của giáo viên mới ra trường rất thấp, muốn cải thiện phải có thâm niên, đó là bất cập lớn. Nhiều giáo viên không đòi hỏi phải có lương cao ngay nhưng đòi hỏi phải tăng lương có kỳ vọng. Giáo viên có sứ mệnh sự nghiệp “trồng người”, không thể là viên chức bình thường.
Đối với những vụ việc bạo hành xảy ra trong trường học vừa qua liên quan đến giáo viên, học sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, tuyệt đại đa số giáo viên có phẩm chất, tâm huyết với nghề, nhưng có một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo: giáo viên mầm non đánh trẻ, giáo viên phổ thông ép học sinh học thêm... Nguyên nhân do cường độ công việc căng thẳng; chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng; công tác thanh tra, kiểm tra chưa mạnh.
Liên quan đến vấn đề công nhận GS, PGS, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ đã có giải trình với Thủ tướng và công luận. Về cơ bản, các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn đạt chức danh GS, PGS với những tiêu chuẩn đã được xây dựng khoảng 20 năm. Tuy nhiên, cũng có những ứng viên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và qua các hội đồng cũng sàng lọc chưa chuẩn. Bộ đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra và có thể sẽ trao đổi, làm việc với từng ứng viên để tâm phục, khẩu phục. Cuối tháng sẽ có kết quả do ban thanh tra cung cấp. Ứng viên nào đáp ứng đầy đủ điều kiện thì công nhận, không đáp ứng đủ điều kiện thì không công nhận, dù bất kể là ai.
Ngoài ra, Bộ đang dự thảo, lấy ý kiến về quyết định của Thủ tướng chuẩn công nhận GS, PGS. Để bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế, Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rất kỹ, đến nay cơ bản đã đồng thuận, sẽ sớm trình Thủ tướng ký quyết định về chuẩn công nhận GS, PGS.