Như trước đó Báo PLVN đã thông tin, thực hiện Nghị quyết số 20/NQ ngày 28/3/2018 của Chính phủ về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án cao tốc Bắc-Nam) trong đó có nội dung quy định về việc thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án.
Trong quá trình xúc tiến để thành lập Tổ công tác liên ngành, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có 2 văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đề nghị cử đại diện tham gia. Sau đó, Bộ này có nhận được 6 văn bản của 6 địa phương có dự án đi qua đồng ý cử đại diện tham gia, có 2 Bộ không có văn bản trả lời là Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng.
Riêng 3 Bộ: Tư Pháp, Bộ KH&ĐT, Tài chính có văn bản đề xuất không cử đại diện tham gia Tổ công tác liên ngành với lý do: pháp luật hiện hành (Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018) không có quy định về việc thành lập Tổ công tác liên ngành; công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần đã được chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước. Đồng thời, các Bộ đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về vấn đề này.
Được biết, ngày 24/11/2020, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị tháo gỡ vướng mắc xung quanh việc thành lập Tổ công tác liên ngành. Liên quan đến cơ sở pháp lý về việc thành lập, Bộ GTVT xác nhận: Việc thành lập Tổ công tác liên ngành được quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT. Tuy nhiên, tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 không quy định việc thành lập Tổ công tác liên ngành.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT lý giải: Tại thời điểm triển khai dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, do đây là dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, triển khai gấp và tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư nên Bộ GTVT đã đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành và được Chính phủ thông qua tại khoản 9 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ.
Cũng theo Bộ GTVT, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần hiện đã được chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay khung pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP chưa đầy đủ, đang trong quá trình hoàn thiện (Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật PPP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021). Do đó, việc thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thương thảo, đàm phán ký kết hợp đồng dự án cũng là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các Bộ (Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp) việc thành lập Tổ công tác liên ngành là không đủ cơ sở pháp lý và các Bộ đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018. “Vì thế, để đảm bảo tiến độ thực hiện, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét dừng thực hiện khoản 9 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ của Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác liên ngành. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến các Bộ đối với các nội dung liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của các Bộ. Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - Bộ GTVT đề nghị.
Được biết, hiện nay Bộ GTVT đã phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và đang đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính lựa chọn nhà đầu tư của 03/05 dự án thành phần theo hình thức PPP gồm các đoạn: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Theo kế hoạch, các công tác này dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư và thương thảo, ký kết hợp đồng dự án trong tháng 12/2020.