Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù”
Vào một ngày cuối tuần hơn hai năm trước, có một người đàn ông cao tuổi, tóc bạc, dáng gầy, đạp xe đến cổng Bộ KH&ĐT, số 6B Hoàng Diệu, Hà Nội. Ông vào cổng bảo vệ, hỏi tìm người quen. Ông đến không hẹn trước, cũng không điện thoại trước. Khi hỏi vì sao ông không báo trước, ông nói “nếu có duyên sẽ gặp nhau”.
Ông đến chỉ để trao một lá thư viết tay do chính ông viết và một số bức ảnh tặng kỷ niệm. Trong lá thư tay, ông viết lời cảm ơn Bộ trưởng, cảm ơn các cán bộ của Bộ KH&ĐT về sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ “Dàn hợp ca Hy vọng” của các bạn khuyết tật. Nhờ có sự giúp đỡ chân tình đó mà “Dàn hợp ca Hy vọng” mới có cuộc biểu diễn đáng nhớ nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập hội "Những người bạn của Di sản Việt Nam".
Đó là câu chuyện những người trong “Dàn hợp ca Hy vọng” đã được các cán bộ của Bộ KH&ĐT tặng những bộ trang phục biểu diễn. Món quà nhỏ, thực ra không nằm ở giá trị tiền bạc, mà ở cách tặng và có ý nghĩa riêng với người được nhận.
Người đàn ông đó là Giáo sư (GS) Tôn Thất Triêm, nhạc trưởng, thầy giáo của “Dàn hợp ca Hy vọng”, được các bạn khuyết tật vô cùng yêu mến.
Đây là một trong những câu chuyện diễn ra thường xuyên tại Bộ KH&ĐT. “Dường như mỗi chương trình do Bộ KH&ĐT khởi xướng, đều đến rất tự nhiên và thường bắt đầu bằng một câu chuyện nhân văn nào đó. Những câu chuyện nhân văn đó thôi thúc, buộc chúng tôi phải hành động”, bà Nguyễn Thị Thùy Trâm, Vụ phó Vụ Thi đua khen thưởng và Truyền thông, Bộ KH&ĐT chia sẻ.
Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” mà Bộ KH&ĐT phát động hôm 5/12/2019 vừa qua cũng được bắt đầu bằng câu chuyên nhân văn và sự thôi thúc hành động.
Ngày mùng 5 Tết Kỷ Hợi 2019, em Tống Văn Dương (22 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, mất toàn bộ thị lực từ khi sinh ra do mẹ đi phun thuốc sâu trong quá trình mang thai), đã cùng một bạn học viên khiếm thị khác, Nguyễn Thị Oanh (18 tuổi, quê Lạng Sơn, khiếm thị bẩm sinh) đi chơi đầu Xuân. Tai nạn ập đến khi hai em tham gia giao thông và không sử dụng gậy trắng dẫn đường, vật dụng không thể thiếu của người khiếm thị trên khắp thế giới, là biểu tượng của người khiếm thị, giúp việc đi lại trở nên an toàn, dễ dàng.
Câu chuyện này cứ ám ảnh những người làm chính sách của Bộ KH&ĐT cũng như vị tư lệnh ngành. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ý tưởng về một chương trình xã hội cho người khiếm thính xuất phát từ sự đồng cảm cá nhân sau một lần ông bị đau chân, phải nằm nhà.
Ông bảo đã được xem nhiều chương trình truyền hình về cuộc sống của những người khuyết tật, được chứng kiến những câu chuyện về sự tử tế, cách ứng xử hết sức nhân văn và sự hy sinh vô giá của những người đang sống cùng, đồng hành với người khuyết tật, nhất là khi được xem, được nghe, được chứng kiến những tài năng của người khuyết tật đang hằng ngày vươn lên để khẳng định mình trong các lĩnh vực.
“Điều đó đã làm tôi thực sự xúc động và cảm nhận. Những câu chuyện đã chạm đến trái tim tôi. Từ đó lóe lên trong tôi sự thôi thúc phải làm điều gì đó để sẻ chia, giảm bớt khó khăn, giúp họ có một cuộc sống hạnh phúc hơn; giúp họ được quan tâm, tạo điều kiện, được thụ hưởng một cách công bằng từ những thành quả của quá trình phát triển đất nước; và hơn thế nữa là được tham gia, thỏa sức sáng tạo và cống hiến”, ông Dũng chia sẻ.
Tại Chương trình “Vì sự phát triển cộng đồng và phát động Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”, 14.720 cây gậy trắng đã được chuyển đến những người khuyết tật. Con số này không dừng lại bởi còn nhiều người khuyết tật nữa đang cần giúp đỡ.
Đích thân Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao tặng gậy trắng cho người khiếm thính |
“Chính người khuyết tật đã làm chúng tôi thay đổi”
Ý tưởng của vị tư lệnh ngành luôn trăn trở với những người yếu thế trong xã hội đã luôn nhận được sự thống nhất cao của tập thể lãnh đạo, sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ, công chức của Bộ KH&ĐT, là cơ sở để Bộ KH&ĐT đề ra chủ trương và quyết tâm thực hiện một số hoạt động xã hội ý nghĩa thiết thực.
Ngay từ đầu năm 2018, Bộ KH&ĐT đã quyết định lựa chọn một số các cộng đồng yếu thế để bảo trợ, đồng hành, cùng họ tìm kiếm các mô hình phát triển kinh doanh thành công. Đặc biệt, từ giữa năm 2019, các sản phẩm quà tặng của Bộ KH&ĐT đã được thay thế bằng những sản phẩm thủ công do những người khuyết tật làm.
Không chỉ tham vấn, trợ giúp pháp lý, chia sẻ cùng với các cộng đồng yếu thế như các mô hình Hợp tác xã, DN xã hội do người khuyết tật làm chủ và thành viên là những người yếu thế, mô hình khởi nghiệp sáng tạo. Trong suốt hơn hai năm qua, Bộ KH&ĐT đã đồng hành cùng “Dàn hợp ca Hy vọng” và các bạn khuyết tật do GS Tôn Thất Triêm hướng dẫn; Nhóm xương thủy tinh do Thu Thương và cộng đồng khuyết tật thuộc DN Thương Thương chuyên sản xuất hàng thủ công; Cộng đồng người điếc và khiếm thị (Thành Nguyễn,, Thúy Doan, Sen Deaf…); Cộng đồng tự kỷ (Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam)…
Còn có thể kể đến Chương trình âm nhạc hỗ trợ người tự kỷ của nghệ sĩ viola Nguyệt Thu, Chương trình “Bình minh cho em hỗ trợ cho cộng đồng người tự kỷ”; Cộng đồng người mù (DN xã hội kết nối người khiếm thị Blind Link, Hội Người mù Việt Nam…); Hợp tác xã Vụn ART do người khuyết tật làm chủ, chuyên sản xuất tranh và túi thủ công; DN Kym Việt do người khuyết tật làm chủ, chuyên sản xuất thú nhồi bông…
“Chính các bạn đã cho chúng tôi thấy được nghị lực, sự vươn lên, khát vọng làm việc và cống hiến. Chính các bạn đã cho chúng tôi một bài học, một động lực, một khát vọng để thay đổi và vươn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định trước cộng đồng người khuyết tật tại sự kiện “Phát động Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”
Ông cũng chia sẻ, những thay đổi và chuyển biến hết sức tích cực trong từng cán bộ, công chức của Bộ KH&ĐT trong thời gian qua cũng có lẽ bắt nguồn từ chính những người khuyết tật. Từ đó, mỗi cán bộ, công chức của Bộ sẽ nhân lên quyết tâm, làm tốt hơn nữa công việc của mình, từng bước lồng ghép những yếu tố nhân văn, lấy con người làm trọng tâm trong công tác tham mưu thể chế, chính sách.
Bộ KH&ĐT đón Tết sớm cùng người khuyết tật |
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Một trong những mục tiêu thịnh vượng mà Việt Nam hướng tới là đến năm 2035 thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD. Tuy nhiên, đến nay con số này vẫn loanh quanh ở mức 3.000 USD (theo cách tính GDP mới), trong khi các nước xung quanh đều đã đạt 6 - 7.000 USD, thậm chí trên 10.000 USD.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần phải quyết liệt hơn trong hành động, với tư duy mới, tầm nhìn mới tốt hơn để tranh thủ được các cơ hội mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.Trong đó, ông Dũng nhấn mạnh, con người phải là trọng tâm của quá trình phát triển. "Mục tiêu của phát triển phải là không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả phải cùng nhau chia sẻ khát vọng, ước mơ về một Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc cho toàn dân", ông Dũng nói.
Bên cạnh các chỉ tiêu vĩ mô khác cùng các giải pháp để thiết kế một nước Việt Nam thịnh vượng, đây có lẽ là điều Bộ KH&ĐT và cá nhân vị Bộ trưởng trăn trở nhất.
Cả nước hiện nay có khoảng 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội ở các nhóm khác nhau, chiếm 28% dân số, trong đó có hơn 6 triệu người khuyết tật, riêng người mù và khiếm thị là khoảng 3 triệu người.
“Đây thực sự là những con số đáng kể để chúng ta suy ngẫm, phải làm gì để đảm bảo sự phát triển bao trùm và bền vững giữa phát triển kinh tế với xã hội. Làm gì ở đây không chỉ đơn thuần là nhân lên những hành vi ứng xử nhân văn, sự tử tế giữa con người với con người, làm cho người khuyết tật tự tin hơn, có điều kiện sống tốt; mà còn phải thiết kế và thực thi các chính sách phát triển có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế và người khuyết tật”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trăn trở.
Theo đánh giá của nhiều người, sự đồng hành của các cơ quan Chính phủ, trong đó có Bộ KH&ĐT, dường như đã chạm đến vấn đề gốc rễ sâu xa, mà mỗi chính sách được ban hành ngày càng nhân văn hơn.