Bộ luật Dân sự năm 2015: Hướng đến bảo vệ quyền nhân thân đích thực

(PLO) - Trong mối quan hệ với Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành có liên quan vẫn còn quy định chưa bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, hoặc còn có khoảng trống pháp lý trong điều chỉnh các quan hệ dân sự cụ thể trên tinh thần mới của BLDS năm 2015.

Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành để bảo đảm BLDS năm 2015 thực sự đi vào cuộc sống và đó chính là chủ đề của Diễn đàn Pháp luật năm 2016 do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (14/12) với sự hỗ trợ của UNDP và USAID.

Kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân

BLDS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Gồm 6 phần, 27 chương, 689 điều, BLDS năm 2015 thể hiện rất nhiều nội dung mới và sự đột phá trong tư duy pháp lý, trong tạo lập cơ chế pháp lý đồng bộ, thống nhất về điều chỉnh quan hệ dân sự, về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong đời sống dân sự; ghi nhận, bảo vệ tốt hơn các quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của người dân… Do vậy, cần sự đồng bộ, thống nhất giữa BLDS năm 2015 với các VBQPPL khác có liên quan trong điều chỉnh các quan hệ dân sự.

Một trong những tư tưởng nổi bật của BLDS năm 2015 là quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này nếu không có tập quán và không áp dụng được tương tự pháp luật thì Tòa án được quyền vận dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự. Cùng với BLDS năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 tiếp tục khẳng định nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. 

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong việc Tòa án thực hiện vai trò là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý trong trường hợp không có quy định của pháp luật, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân trong lĩnh vực dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng TANDTC cần hướng dẫn để vận dụng giải quyết một quan hệ dân sự cụ thể khi không có điều luật để áp dụng. Về các công cụ pháp lý để giải quyết vụ việc dân sự, hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng cần có hướng dẫn cụ thể về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản và lẽ công bằng để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng, giải quyết các vụ, việc dân sự trong toàn ngành Tòa án cũng như sự thống nhất về nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết vụ, việc dân sự.

Chỉ “gọi tên” quyền nhân thân gắn liền với cá nhân

Khác với quy định về quyền nhân thân trong BLDS năm 2005 có phạm vi rất rộng (26 quyền), bao gồm cả những quyền thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, quyền không chỉ gắn với lợi ích mà còn gắn cả với những lợi ích khác về tài sản... thì BLDS năm 2015 chỉ quy định các quyền nhân thân liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân khi tham gia các quan hệ dân sự và những quyền nhân thân gắn liền với lợi ích tinh thần của cá nhân, nhưng chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp.

Đó là quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ; quyền thay đổi tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; quyền xác định lại giới tính; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình.

Các quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu sáng tạo không được tiếp tục ghi nhận trong BLDS năm 2015. Đây là các quyền thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, không chỉ gắn với lợi ích tinh thần của chủ thể, mà còn gắn với lợi ích khác về tài sản. Mặt khác, chúng cũng đã được các luật cụ thể quy định, trong đó có Luật Cư trú, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ luật Lao động, các luật về đầu tư, doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ...

 Đáng chú ý, nhiều quyền nhân thân trong BLDS năm 2015 đã được quy định cụ thể có thể áp dụng, thực hiện ngay không chờ văn bản hướng dẫn. Các quyền này bao gồm quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ; quyền thay đổi tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc:

Hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào quan hệ dân sự

BLDS là một trong những đạo luật quan trọng, rường cột trong hệ thống pháp luật Việt Nam. BLDS được xây dựng hướng đến mục tiêu thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật tư, điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo Hiến pháp 2013. Sau khi được ban hành, BLDS là công cụ pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Đồng thời, đây cũng là công cụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm nội dung liên quan đến việc hoàn thiện, thực thi các chính sách pháp luật và tiến trình cải cách tư pháp tại Việt Nam.

Chuyên gia Đinh Trung Tụng – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp: 

Nhiều điểm mới tiến bộ về chế định quyền nhân thân 

Chế định quyền nhân thân trong BLDS năm 2015 có nhiều điểm mới tiến bộ hơn so với BLDS năm 2005, do đó, để bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật và bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền nhân thân thì bên cạnh BLDS, các VBQPPL khác có liên quan cũng cần được sửa đổi để bảo đảm sự phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 hoặc có hướng dẫn chi tiết đối với một số nội dung mới của BLDS năm 2015. Ví dụ, cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về trình tự, thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, xác định lại giới tính...

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú: 

Cần hướng dẫn hoặc xây dựng án lệ nhiều vấn đề 

 

Để bảo đảm thống nhất trong việc thi hành BLDS năm 2015 và trong giải quyết các vụ việc dân sự, TANDTC cần phối hợp với VKSNDTC, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác liên quan hướng dẫn áp dụng quy định của BLDS năm 2015 hoặc xây dựng án lệ về các vấn đề sau: Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm., uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình...; hộ gia đình; đại diện của cá nhân, pháp nhân; thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, giao kết hợp đồng, phạt vi phạm, thiệt hại được bồi thường trong hợp đồng…; thừa kế (thời hiệu, giải thích di chúc, di chúc bị thất lạc, di tặng...); thời hiệu; giao dịch dân sự, đặc biệt liên quan đến vô hiệu hình thức, bảo vệ người thứ ba ngay tình… Hoàng Thư (ghi)

Đọc thêm