Những chuyện đau lòng
Mới đây, một câu chuyện được kể trên mạng xã hội khiến nhiều người đau lòng. Chị Lê Kim, nghệ sĩ đàn piano khi thăm người nhà tại bệnh viện đã chứng kiến câu chuyện buồn của một cụ bà. Cụ bị bệnh khớp nặng, tiền tiết kiệm chỉ còn gần chục triệu đồng sau khi cho con cái số tiền dành dụm cả đời. Đến khi bà nhập viện, các con chỉ vào thăm đúng một lần rồi không quay lại thăm nom mẹ lần nào nữa. Bà cụ vừa buồn tủi, vừa lo lắng cho tương lai mà bệnh tình ngày càng nặng hơn.
Cũng theo sự chứng kiến của chị Lê Kim trong những ngày nuôi bệnh, có không ít cụ già phải loay hoay tự đi viện một mình, hoặc nhập viện thui thủi không ai chăm. Có cả những trường hợp con cái đông, các con thành đạt, giàu có nhưng cha mẹ nhập viện chỉ thuê người chăm sóc, không hề vào viện với cái cớ “bận rộn”.
Trong xã hội cũng không hiếm trường hợp con cái bỏ mặc cha mẹ không chăm lo. Nhiều cụ già ở tuổi gần đất xa trời, con cháu “đầy đàn” nhưng vẫn phải ra đường bươn chải mưu sinh bất chấp già yếu, bệnh tật. Có cụ sau khi bán hết đất đai, nhà cửa chia cho con thì ở chung với mỗi người con một thời gian, sau đó con cái tìm cớ không nuôi dưỡng nữa khiến các cụ thành lang thang, cơ nhỡ...
Thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL năm 2022 cho thấy, cả nước hiện có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Theo kết quả khảo sát thì có 50,3% hộ gia đình có người cao tuổi đã xảy ra ngược đãi, 3,0% người cao tuổi bị con cái đánh đập, 8,0% bị đe dọa và 15,0% bị bỏ rơi không chăm sóc; có 45,7% người già cho rằng họ thường bị con cái làm mất lòng dẫn tới buồn phiền, 3,9% thường xuyên bị nhiếc móc, 10,7% bị bỏ bê về kinh tế.
Ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi sống ở nông thôn, chỉ có 18,8% sống ở thành thị; 16 - 17% người cao tuổi có lương hưu và số được hưởng trợ cấp rất ít. Một cuộc điều tra sức khỏe người cao tuổi mới đây cho thấy 95% người già có bệnh, trong đó có khoảng 55% mắc bệnh kinh niên, đau ốm thường xuyên, người già có sức khỏe khá và tốt chỉ chiếm 5,7%.
Không chỉ là “chuyện riêng trong nhà”
Theo Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con cái có bổn phận yêu quý và trân trọng, phải biết hiếu thảo và biết ơn cũng như phụng dưỡng cha mẹ, con gái phải biết giữ gìn danh dự cũng như truyền thống tốt đẹp của gia đình. Điều 71 cũng quy định con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ già, hoặc cha mẹ qua đời, hoặc khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ bị ốm đau hoặc khuyết tật, trường hợp gia đình có nhiều người con thì các con sẽ phải cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ để hoàn thành tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, chỉ có việc hành hung, đánh đập mới bị coi là ngược đãi cha mẹ. Trên thực tế, cả hành vi bỏ rơi cha mẹ, khiến cha mẹ bị tổn thương tinh thần, dẫn đến suy yếu sức khoẻ hay chịu các hậu quả các cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý nghiêm.
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có quy định về mức phạt tiền đối với con cái bỏ mặc không chăm sóc ông bà, cha mẹ là người già, yếu, tàn tật.
Còn Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, con cái bỏ mặc, ngược đãi, đối xử tàn tệ với cha mẹ mà đã bị xử phạt rồi vẫn tái phạm thì bị xử phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp con cái đối xử tệ với cha mẹ già yếu, khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Pháp luật quy định rất nghiêm đối với hành vi ngược đãi, bỏ rơi cha mẹ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, những sự việc bỏ mặc cha mẹ ít khi được quan tâm, xử lý. Trong đó có việc đánh đập hành hạ cha mẹ, thường khi hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi bị xã hội lên án thì mới bị cơ quan chức năng để mắt đến. Còn lại, nhiều người vẫn cho rằng đó là “chuyện riêng trong nhà”, cần “đóng cửa bảo nhau”. Ngay cả các bậc cha mẹ là nạn nhân của sự bỏ bê, phó mặc, bạo lực tinh thần cũng không lên tiếng. Và như thế, nỗi đau sẽ tiếp tục kéo dài đối với những người làm cha, làm mẹ khi tuổi đã xế chiều.