Cha mẹ làm gì nếu cảm thấy “bất lực” khi nuôi dạy con?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong hành trình dạy con, không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể sáng suốt, bình tĩnh để trao cho con những điều tốt đẹp nhất. Cũng có những lúc cha mẹ bối rối, thậm chí khủng hoảng và không biết phải làm gì.
Cha mẹ nên tôn trọng cá tính con để dạy con. (Ảnh minh họa - Internet)
Cha mẹ nên tôn trọng cá tính con để dạy con. (Ảnh minh họa - Internet)

Nước mắt cha mẹ

“Lúc ấy, tôi không biết mình đang làm gì, nghĩ gì. Tôi cứ thế đánh liên tiếp vào mông con. Tôi gào lên thật lớn, trong hoảng loạn. Con tôi sợ đến mức không dám khóc nữa, con đứng đó nhìn tôi trong sự sợ hãi, kinh khiếp...”. Đó là lời chia sẻ của chị Phan Hảo Minh Tâm trong một chương trình tâm sự dạy con phát sóng trên Youtube. Chị Tâm kể, con chị bị kén ăn. Từ lúc 2 tuổi đến nay con đã rất khó tiếp nhận chuyện ăn uống, luôn chống đối khi được cho ăn. Năm nay con lên 5 tuổi, bằng ấy năm chị Tâm phải trải qua những vất vả, áp lực và cả bất lực, sau khi tham khảo đủ các phương pháp dạy con, cho con ăn. Lâu dần chị tích tụ mệt mỏi, dẫn đến stress và một ngày những áp lực ấy bùng nổ thành cơn cuồng nộ không thể kiểm soát được.

Tương tự, anh Nguyễn Vĩnh Tuấn, ngụ quận 6, TP HCM cũng chia sẻ cảm giác bất lực của mình trong quá trình dạy con. Dạy con rất nghiêm, theo con sát sao, thế nên khi phát hiện ra cậu con trai 8 tuổi bị “nghiện game”, anh Tuấn đã bị sốc. Dù làm mọi cách như đánh mắng, doạ dẫm cho đến khuyên nhủ, con vẫn tranh thủ mọi thời gian để lén lút chơi game. Cho đến khi cô giáo báo về việc cháu trốn học cùng bạn đi chơi game, lại phát hiện con nợ bạn bè số tiền vật phẩm game lên đến vài triệu đồng, anh cảm thấy tức giận và đau đớn vô cùng. Vừa đánh con, anh Tuấn vừa khóc vì cảm giác mệt mỏi và bất lực, không biết phải làm sao để uốn nắn con đúng đắn.

Đó không phải là câu chuyện của riêng chị Tâm, anh Tuấn, mà là chuyện chung của rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Có những đứa trẻ quậy phá, bướng bỉnh, chống đối quá mức, khiến cha mẹ dường như đã thử mọi phương cách vẫn cảm thấy “bó tay”. Ngay cả những đứa trẻ ngoan, dễ bảo, vẫn có những lúc, những giai đoạn trong quá trình phát triển trở nên “cứng đầu”, phản kháng, hay làm ngược lại với điều cha mẹ dạy bảo.

Theo một khảo sát, có hơn 85% phụ huynh từng cảm thấy bất lực trong quá trình nuôi dạy con. Có 75% phụ huynh từng có những giây phút không kiểm soát được bản thân, sử dụng ngôn ngữ hoặc hành vi bạo lực trước sự ương bướng của trẻ. Và cũng có tới trên 50% phụ huynh đã có những cơn stress, trầm cảm nhẹ trong quá trình nuôi dạy con.

Hiểu cá tính của con

Kết quả một nghiên cứu tâm lý trẻ nhỏ tuổi tại Mỹ cho thấy, trẻ con mang thái độ và tâm lý chống đối không phải vì trẻ “không ngoan”. Đa phần, sự bướng bỉnh là cách trẻ thể hiện cá tính của mình. Có những trẻ cá tính mạnh mẽ hơn trẻ khác, có mong muốn được làm theo ý của bản thân, không thích nghe lời người khác. Cũng có những trẻ có nhu cầu biểu lộ bản thân mạnh mẽ, thích khẳng định bản thân, thu hút sự chú ý của người khác...

Trong con mắt của một số cha mẹ, tất cả chỉ quy vào sự “bướng bỉnh”, không nghe lời, nổi loạn, chống đối, nhưng thực ra sâu bên trong, mỗi đứa trẻ có bản tính, nhu cầu và mong muốn riêng, cần được cha mẹ thấu hiểu và chạm đến. Nhiều phụ huynh vẫn còn áp đặt tiêu chuẩn “ngoan”, “dễ bảo”, “nói gì nghe nấy” lên trẻ. Chính vì áp đặt những tiêu chuẩn ấy, phụ huynh dễ thất vọng, mệt mỏi, bực dọc khi thấy con không nghe lời, quy vào tội “hư”, “bướng”, dùng bạo lực hoặc đe nẹt để đe doạ, trấn áp trẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý, với trẻ bướng bỉnh, phụ huynh nên có những phương pháp linh hoạt thay vì áp đặt, buộc trẻ theo ý mình. Trẻ cần được tìm hiểu nguyện vọng, được tôn trọng, được chia sẻ và cả thương lượng. Đặc biệt, nổi nóng, bạo lực, thiếu kiểm soát là điều hoàn toàn không nên trong việc dạy con.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành cũng đã có phần khá chi tiết về cách cha mẹ nuôi dạy con cái. Theo đó, cha mẹ cần tôn trọng con cái như một cá nhân có đầy đủ nhân phẩm và trách nhiệm. Đồng thời cha mẹ cần áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực thay vì đánh đập, đòn roi.

Cha mẹ cũng nên là “người bạn lớn” của con để chia sẻ tâm tư và hướng dẫn con giải quyết những khó khăn, thách thức trong đời sống, lắng nghe và cho phép con tham gia phát biểu, hỏi về những vấn đề liên quan đến bản thân và việc chung của gia đình.

Theo Bộ tiêu chí, cách dạy con tốt nhất không bao giờ nên là đánh đập, chửi mắng, xúc phạm con mà quan trọng cha mẹ hãy là gương cho con về ý chí rèn luyện, tu dưỡng để mình là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, là điểm tựa tinh thần của con. Có như thế, cha mẹ có thể hạnh phúc cùng con đi qua hành trình con khôn lớn, đến lúc con trưởng thành, nên người.

Đọc thêm