Đừng để cha mẹ cô đơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày càng nhiều người già phải cô đơn trong ngôi nhà của chính mình do hoàn cảnh con cái phải đi làm ăn xa, hoặc do sự thờ ơ của chính những người con mà họ đã vất vả sinh dưỡng.
Đối với cha mẹ tuổi xế chiều, không niềm vui nào bằng được con cháu quan tâm, yêu thương, săn sóc. (Ảnh minh họa)
Đối với cha mẹ tuổi xế chiều, không niềm vui nào bằng được con cháu quan tâm, yêu thương, săn sóc. (Ảnh minh họa)

Những giọt nước mắt cô đơn

Những ngày Tết, giữa không khí rộn ràng, náo nức đón xuân, giữa sự đoàn viên ấm áp, vẫn có những câu chuyện, những bức ảnh làm người ta phải nhói lòng. Đó là hình ảnh một bà cụ đã hơn 90 tuổi, ngồi ăn cơm một mình trong căn nhà vắng lặng vào ngày mùng 1 Tết.

Mâm cơm của bà hết sức đơn sơ, dáng ngồi ăn của bà cũng hết sức còm cõi, đơn côi, làm lay động lòng người. Người đăng bức ảnh kể rằng bà cụ sinh nhiều con, nhưng các con đi làm xa hết, bà sống một mình quanh năm. Đến Tết, các con không về, chỉ mình bà cụ đơn lẻ trong căn nhà rộng. Hàng xóm chung quanh thấy vậy thương nên thường biếu thức ăn hoặc mời bà sang nhà ăn cơm.

Một video khác được đăng tải trên mạng cũng làm người ta thấy xót xa: một người mẹ ngồi khóc trong phòng khách vắng người ngày mùng 2 Tết. Cô con gái đăng tải video kể rằng do cha mới mất, ba con gái bận rộn gia đình nên chỉ có thể lâu lâu chạy đến thăm chứ không ở luôn với mẹ được. Xem qua camera, các con đau lòng thấy mẹ bật khóc vì cô đơn giữa căn nhà vắng lặng ngày Tết đoàn viên.

Đó không phải là những trường hợp cá biệt trong mùa Tết vừa rồi và nhiều mùa Tết khác. Nhiều gia đình con cái đi làm ăn xa, gặp thời điểm dịch bệnh, hoặc khó khăn về kinh tế phải ở lại “bám” chốn thị thành, ngày Tết cũng không về với cha mẹ được, chỉ có cha mẹ già lủi thủi ăn Tết cùng nhau. Cũng có những trường hợp, con cái dẫu có khả năng để về, nhưng vì cớ này hoặc cớ khác không về với cha mẹ già vào những ngày cha mẹ hy vọng được sum vầy.

Tết đến, nhiều ngôi nhà ở quê rộn rã tiếng cười đoàn viên. Những gia đình nhiều thế hệ cùng ăn Tết dưới một mái nhà, ngập tràn niềm vui. Nhưng thời điểm qua Tết, lúc ai nấy bắt đầu trở về với cuộc mưu sinh, đó là lúc bắt đầu của những giọt nước mắt. Nước mắt cha mẹ lưu luyến vì phải chia xa con cháu. Nước mắt cha mẹ già khóc vì nhớ nhung, cô đơn sau khoảng thời gian ấm áp và vui vẻ con cháu sum vầy.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, ngụ Đồng Nai kể: “Cha mẹ tôi ở Quảng Trị, mùng 2 Tết là cả nhà tôi về với cha mẹ. Còn có em trai tôi từ TP HCM cũng đem vợ con về ăn Tết. Căn nhà ngói hơn 100m2 nhưng có đến 10 con người chen chúc, cả con cả cháu, lúc nào cũng ồn ào, các cụ cứ chạy đi chạy lại lo hết cái này đến cái khác mà thấy phấn khởi lắm. Sau Tết, ai nấy dắt díu gia đình về thành phố làm ăn, tôi xem qua camera thấy bố mẹ ngồi trước hiên nhà nhìn vẩn nhìn vơ, rồi bà sụt sùi khóc, mình nhìn mà đau lòng, không biết phải làm sao”.

Tình thương và trách nhiệm

Không chỉ có ngày Tết, nhiều bậc cha mẹ quanh năm phải chịu cảnh cô đơn vò võ như thế. Có những người con, dẫu làm ăn xa vẫn thường tranh thủ những chuyến xe, chuyến bay đi về. Mùa hè vẫn đưa các cháu về chơi với ông bà, thường xuyên chăm lo tinh thần, vật chất cho cha mẹ dẫu ở xa. Được như thế, cha mẹ già cũng ấm lòng. Nhưng cũng có không ít cha mẹ dành cả đời vất vả nuôi con, đến khi già cả, con cái lại mải chạy theo việc kiếm tiền, đeo đuổi những giấc mơ và lối sống riêng của mình, bỏ mặc cha mẹ.

Đã có những câu chuyện rất buồn về những đứa con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà sau khi chiếm đoạt được gia sản của họ. Có những người con ở cùng thành phố nhưng cả năm không gặp cha mẹ lấy một lần. Có những cụ già sinh nhiều con cái, nhưng lại chẳng thể ở chung với một đứa con, tuổi già xế bóng thui thủi tự lo cho mình lúc ốm đau, bệnh tật. Cũng có những đứa cháu, dẫu đã trưởng thành, cha mẹ vẫn chưa một lần cho về quê thăm nom ông bà.

Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, văn hóa Việt Nam nhấn mạnh lòng hiếu thảo và sự kính trọng của con, cháu trong quan hệ ứng xử với ông bà, cha mẹ của mình... Trong mọi hoàn cảnh và trường hợp, người con làm tròn bổn phận phải là người có ý thức trách nhiệm và thể hiện trách nhiệm đó phù hợp với đạo lý và luật pháp của xã hội hiện hành. Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Cũng theo Bộ tiêu chí, quyền và trách nhiệm là hai yếu tố gắn liền của các thành viên trong gia đình, có quan hệ mật thiết tới việc xây dựng, giữ gìn hạnh phúc, sự bền vững trong mối quan hệ gia đình. Việc thực hiện quyền và trách nhiệm của các thành viên trong mỗi gia đình là không giống nhau bởi các yếu tố tác động như quan niệm, điều kiện, nhu cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mỗi người khi giữ các vai trò đều phải ý thức và nắm rõ được quyền và nghĩa vụ của mình để tránh việc xao nhãng, không làm tròn bổn phận hoặc vô tình vi phạm pháp luật. Quan trọng nhất, mỗi người đều cần ý thức được giá trị của gia đình - tổ ấm thiêng liêng để cùng nỗ lực thực hiện tốt những vai trò của mình.

Đọc thêm