Trước khi bắt đầu gắn bó với những gốc tre, ông Đặng Văn Sang hay Tư Sang (ngụ xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) từng rất vất vả với những liếp mía. Thời gian đó, làm mía không chỉ cực mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ cao.
Cây mía không bám trụ được với thị trường, đời sống bắt đầu lao đao, ông Tư chuyển sang trồng bạch đằng. Ai ngờ lại có lời đồn bạch đằng dễ bị sâu cắn chết nên ông Tư đâm ra rầu rĩ. Vậy là ông thử trồng xen giống tre bản địa vào bạch đằng. Tuy nhiên, điều bất ngờ là chỉ trong một thời gian ngắn, cây tre ngày càng phát triển vượt bậc, “lấn át” luôn bạch đằng, khiến cho loài cây “chủ nhà” phải thiệt thòi, không còn đất sống. Thấy tình hình trồng tre có lẽ “chắc ăn” hơn, ông Tư quyết định chuyển hẳn qua trồng loài cây rễ trùm này.
Khi có thời gian, ông Tư đều tranh thủ cắt tỉa nhánh và gom lá cho tre |
So với mía, tre vốn thông dụng hơn, có thể dùng để đóng cừ nhà, có thể làm sào, làm vuông tôm. Tre được sử dụng phổ biến để làm đồ gia dụng từ giường, bàn, ghế cho đến những vật dụng sinh hoạt như cái cái lờ, cái lợp, thúng, rổ, cái sàng gạo, đôi đũa, tăm xỉa răng... Nếu trồng mía cần chi phí nhiều, nặng phân bón mà thu nhập không ổn định, thì tre không bị dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên, loài này cũng phụ thuộc vào thời tiết, thường vào mùa mưa sẽ là điều kiện thuận lợi để tre phát triển mạnh vì nó có tính ưa nước.
Ông Tư chia sẻ, “Trồng tre dễ lắm, không tốn chi phí phân bón gì hết. Nếu mình chăm sóc đúng cách thì nó sẽ sống được lâu đời. Mỗi lần nó cao lên thì mình vô chân cho nó ăn rễ cũng giống như mình trồng lại vậy đó. Trồng khoảng 3-4 năm thì thu hoạch hoặc chậm hơn thì 5-6 năm. Quần thể tre phát triển theo quy luật tre già măng mọc. Cho nên, trong lúc mình thu hoạch những tre già thì măng non sẽ mọc lên thay thế chỗ mình mới đốn”. Chỉ tay về phía những cây tre già, ông Tư nói, “Khi tre của mình muốn bán, mình đi coi cây nào già, nó bị mốc đỏ đỏ vàng vàng thì mình rạch nước sơn làm dấu. Thương lái đến mua sẽ tự đốn”.
Tre rợp bóng mát con đường làng |
Theo ông Tư, bình quân mỗi năm ông xuất bán ra thị trường khoảng 3.500 cây tre, giúp gia đình ông thu về nguồn lợi hơn 80 triệu đồng. Với diện tích 0,5ha, bờ tre của ông Tư không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ông tăng thu nhập mà còn góp phần tạo cảnh quan cho làng quê.
Gắn kết hơn 20 năm với rừng tre, ông Tư hiểu được dù tre có thể tự sinh tồn không cần bỏ công chăm bón nhưng ngày ngày khi có thời gian, ông đều tranh thủ cắt tỉa nhánh và gom lá cho tre. Công việc nhẹ nhàng lại phù hợp lứa tuổi giúp ông luôn giữ được nét khỏe khoắn, vui vẻ dù đã ngoài 80.
“Tôi già rồi, sống với cây tre là hợp lý dữ lắm. Nó vừa giúp cho kinh tế mình sống đủ, mà còn đem lại không gian mát mẻ, trong lành. Công việc thoải mái cho tuổi của mình, mình muốn đi làm giờ nào cũng được”, ông Tư cười sảng khoái.