Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt “mục tiêu kép”

Ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020. Các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi cùng Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cùng tham dự.

Nhiều kết quả tích cực

Đến dự Hội nghị có ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ. 

Báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đã trình Quốc hội thông qua 10 luật và nhiều Nghị quyết quan trọng. Các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 410 VBQPPL; các địa phương ban hành hơn 2.800 VBQPPL. Sáu tháng đầu năm, toàn Ngành đã tổ chức thẩm định 164 đề nghị xây dựng VBQPPL, hơn 2.800 dự thảo VBQPPL, kiểm tra theo thẩm quyền hơn 4.500 VBQPPL…

Bộ, ngành Tư pháp đã chú trọng tham mưu triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thưu về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Trên cơ sở đó, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TAND tối cao và các địa phương tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.

Về kết quả THADS 9 tháng đầu năm 2020 (từ 1/10/2019 đến hết tháng 6/2020): đã thi hành xong gần 375 nghìn việc, đạt tỷ lệ 62,78%; thi hành xong gần 40.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 24,15%.

Các lĩnh vực công tác tư pháp khác đều đạt những kết quả nhất định như: đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu LLTP, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục thu được nhiều kết quả ấn tượng...

 

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm còn có những một số tồn tại, hạn chế, cần kịp thời có các giải pháp khắc phục. Báo cáo cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THADS TP.Hà Nội  nhận định công tác bán đấu giá tài sản luôn là một trong những vấn đề “nóng” trong toàn hệ thống THADS, trong đó khó khăn lớn nhất đó là bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản. Ông Hồng cho biết các cơ quan THADS trên địa bàn thành phố hiện còn hơn 200 trường hợp chưa giao được tài sản đã đấu giá thành, tương ứng với số tiền hơn 300 tỷ đồng. 

Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khác liên quan tới việc thẩm định giá như giá khởi điểm còn phụ thuộc nhiều quy định như Luật giá, các khung giá cụ thể, giá thị trường; việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá còn một số bất cập nên đã hạn chế phần nào quyền tiếp cận của người dân khi mua hồ sơ tham gia đấu giá; Chấp hành viên chưa giám sát chặt chẽ việc ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá…

Vì vậy, ông Hồng đề nghị Tổng cục THADS cần rà soát, lập danh sách cấc tổ chức bán đấu giá có uy tín để việc lựa chọn, ký hợp đồng được đảm bảo đồng thời kiến nghị tăng mức xử phạt khi xử lý các sai phạm, thiếu sót trong quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược chia sẻ Sở Tư pháp Tuyên Quang là Sở đầu tiên trong các Sở của tỉnh thực hiện xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và năm 2019 cũng là năm thứ 6 liên tục dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính của các Sở, ngành cấp tỉnh. Bên cạnh kết quả đạt được, bà Thược cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong một số lĩnh vực như: còn tình trạng “co kéo” các Công chứng viên để thành lập các Văn phòng công chứng, có những Văn phòng công chứng tìm Công chứng viên hợp danh rất khó khăn; còn tình trạng công chứng viên không hoạt động thường xuyên, gây khó khăn cho việc quản lý. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục có các hướng dẫn để quản lý chặt chẽ hoạt động của các Văn phòng Công chứng và Công chứng viên.

Còn Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM Huỳnh Văn Hạnh nêu lên một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc mua và sử dụng biểu mẫu theo quy định của Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Hộ tịch.

 

Còn trong lĩnh vực THADS, ông Hạnh cho biết lượng việc phải thi hành trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn là rất lớn; án kinh tế, tham nhũng còn nhiều vướng mắc do đó kiến nghị Lãnh đạo Bộ, Tổng cục THADS quan tâm tới vấn đề biên chế và phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan thẩm quyền Trung ương để hỗ trợ và tiếp tục có các hướng dẫn trong việc thực hiện. 

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp

Điểm lại một số kết quả nổi bật của công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, toàn ngành đã tham gia sâu vào quá trình tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng của Đảng, hoàn thành khối lượng lớn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm… Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó.

Để tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan tư pháp, THADS các cấp tiếp tục uy tiên, tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; chuẩn bị kỹ hồ sơ các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, trong đó cần rà soát kỹ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Tham mưu cho Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chuẩn bị kỹ Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật.Các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổ công tác rà soát VBQPPL.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai hiệu quả Kết luận số 80 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp trên địa bàn, nhất là lĩnh vực bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Tập trung nguồn lực, kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu THADS được giao năm 2020, tập trung thi hành hiệu quả án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt; tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm trong toàn hệ thống THADS…

Đọc thêm