Bỏ ngỏ nhiều vấn đề vụ nguyên Phó Chánh Thanh tra “bảo kê” xe quá tải

(PLO) - Phiên xử nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông Lê Đình Trọng tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Xuân Chung (quê Đắk Lắk) và Nguyễn Trọng Toàn (quê Bình Định) tội “Đưa hối lộ” dự kiến mở ngày 19/8. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều vấn đề của vụ án vẫn chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ.
Ông Lê Đình Trọng thời điểm bị bắt.
Ông Lê Đình Trọng thời điểm bị bắt.
Tiền “luật trên đường” là luật gì?
Theo Cáo trạng, bị can Trọng khi còn là Trạm trưởng Trạm Kiểm tra tải trọng xe (Trạm kiểm tra) lưu động 56, khoảng tháng 4 – 5/2014, bị can Toàn đã một vài lần nhắn tin số xe cho Trọng để tránh bị kiểm tra trên đường khi xe Toàn vận chuyển qua địa phận tỉnh Đắk Nông. Đến ngày 15/5/2014, Trọng gọi điện cho Toàn nói là “đang bị bệnh, khó khăn, cần tiền sử dụng, hiện đang ở trạm cân”. 
Biết Trọng muốn lấy tiền nên Toàn bảo vợ là Phạm Thị Thư ra ngân hàng chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản của Trọng nhưng ghi tên người gửi là Toàn. Vì Thư nghe Toàn nói Trọng làm Thanh tra Giao thông (TTGT) ở Đắk Nông nên ghi nội dung chuyển tiền là “thanh toán tiền luật trên đường”. Sau khi Thư chuyển tiền khoảng 1 giờ thì Trọng gọi điện cho Toàn nói “Sao lại ghi là thanh toán tiền luật trên đường, chú làm thế là giết anh”, và nói Toàn rút lại nhưng Toàn bảo do vợ không hiểu biết mới ghi như vậy, không sao đâu, anh em mình thân thiết, em không hại anh đâu. 
Quá trình điều tra, Trọng luôn phủ nhận đây là tiền hối lộ mà cho rằng do quen biết Toàn từ trước nên gặp lúc khó khăn, Trọng chỉ hỏi mượn tiền Toàn. 15 triệu đồng vợ Toàn chuyển là tiền mượn chứ không phải tiền nhận hối lộ như quy kết của Cáo trạng. 
Trong khi đó, giải thích về nội dung ghi trên phiếu chuyển tiền, “chủ nhân” của cụm từ “thanh toán tiền luật trên đường” là Thư khẳng định khi Toàn bảo Thư chuyển tiền, Toàn không nói đó là tiền gì. Nhưng do trước đó Thư có nghe Toàn nhắc đến Trọng và nói Trọng làm bên Công chánh (thanh tra giao thông?) nên Thư ghi nội dung chuyển tiền trên phiếu là “thanh toán tiền luật trên đường” để tiện việc hạch toán sổ sách của công ty.
Không xử lý hàng trăm chuyến xe quá tải
Cũng theo Cáo trạng, do nhận 15 triệu đồng từ Toàn nên trong khoảng thời gian từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014, Công ty TNHH Hiệp Toàn vận chuyển 89 chuyến dầu ăn trên quốc lộ 14 giao cho các doanh nghiệp, siêu thị tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và 99 chuyến xe gỗ từ Đắk Nông về TP.HCM đều quá tải trọng, nhưng Trọng đã bỏ qua, không kiểm tra, xử lý. 
Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để Trọng có thể cho qua, bỏ lọt hàng trăm chuyến xe suốt một thời gian dài, trong khi cơ cấu tổ chức, hoạt động của Trạm kiểm tra là một lực lượng phối hợp, gồm TTGT, cảnh sát giao thông (CSGT) được tổ chức rất chặt chẽ, có sự phân công, phân nhiệm hẳn hoi. Theo đó, trách nhiệm dừng xe, buộc các xe có dấu hiệu vi phạm phải chấp hành vào vị trí kiểm tra… trước hết thuộc về CSGT. Ngoài ra, việc phân ca trực được chia mỗi ngày 3 ca, mỗi ca gồm 3 cán bộ TTGT và 2 CSGT, các cán bộ này lại thường xuyên được luân phiên thay đổi.
Vì muốn làm rõ những bất cập nói trên nên ngày 8/4/2015, VKSND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 08 trả hồ sơ  yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông điều tra bổ sung, làm rõ: Hành vi cụ thể (làm hay không làm một việc gì) của Trọng theo yêu cầu của Toàn sau khi đã nhận tiền của Toàn; làm rõ ai là người có nhiệm vụ dừng các phương tiện có dấu hiệu quá khổ, quá tải để kiểm tra tải trọng?. Người này có nhận được chỉ đạo của Trọng trong việc dừng hay không dừng xe của Cty TNHH Hiệp Toàn hay không?. Trách nhiệm của người này như thế nào? Nhiệm vụ của các Trưởng ca trực Trạm kiểm tra như thế nào?. Các Trưởng ca có ai nhận được chỉ đạo của Trọng trong việc dừng hay không dừng xe của Cty TNHH Hiệp Toàn hay không?.
Không gọi hỏi từng người để điều tra vì gây dư luận xấu?
Như vậy, những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung này không chỉ có ý nghĩa trong việc xác định có người đồng phạm giúp sức cho Trọng hay không mà còn làm rõ được vấn đề căn bản liên quan đến nội dung truy tố của Cáo trạng đối với hành vi phạm tội của bị cáo. Đó là, có hay không việc Trọng nhận tiền của Cty Hiệp Toàn để bỏ qua, không kiểm tra hàng trăm chuyến xe của công ty này?. Nếu có thì bằng cách nào Trọng làm được việc này, trong khi có cả lực lượng CSGT phối hợp để dừng xe và các ca trực luôn được luân phiên thay đổi?.
Thế nhưng, thay vì làm rõ các yêu cầu điều tra bổ sung nêu trên của VKSND thì tại Bản Kết luận điều tra bổ sung số 66/BKLĐTBS – PC46 ngày 8/6/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông lại cho rằng “Việc gọi hỏi đối với từng người sẽ không đạt yêu cầu, gây ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ trật tự an toàn giao thông và gây dư luận xấu…”. Điều này đã đặt ra một câu hỏi lớn đối với dư luận, liệu có khuất tất gì trong vụ án này?. Tại sao việc điều tra làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án nhằm giúp các cơ quan tố tụng truy tố và xét xử đúng người, đúng tội lại được cho là việc làm gây dư luận xấu?.

Đọc thêm