Ngân hàng bị lừa…
Theo Bản án phúc thẩm số 357/2014/HSPT ngày 26/9/2014 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” thì VDB là nguyên đơn dân sự, có quyền đòi các bị cáo trong vụ án phải bồi thường thiệt hại. Thế nhưng, sau khi bản án được tuyên, VDB phải trả một khoản tiền rất lớn cho Ngân hàng Phương Đông. Nghịch lý này đã khiến VDB phải cầu cứu đến các cơ quan kiểm tra, giám đốc đối với bản án phúc thẩm.
Trở lại nội dung vụ án, khoảng năm 2010, Chi nhánh Khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông của VDB do Vũ Việt Hùng làm Giám đốc đã cho một số doanh nghiệp trong khu vực tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vay vốn tín dụng xuất khẩu theo chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản. Trong số các doanh nghiệp vay vốn của VDB Đắk Lắk – Đắk Nông có Cty TNHH Minh Nhật của Cao Bạch Mai và Cty TNHH Nhật Tân của Trần Thị Xuân, HTX Sông Cầu của Nguyễn Thị Vân, Cty Thủy Ngân của Đặng Thị Ngân…
Điều đáng nói, để làm thủ tục vay vốn tại VDB Đắk Lắk – Đắk Nông, Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân, Đặng Thị Ngân đã làm hồ sơ vay vốn với các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa là giả. Những hợp đồng này đã qua mặt được cán bộ tín dụng của VDB Đắk Lắk – Đắk Nông. Sau khi nhận được vốn vay, các đối tượng trên đã sử dụng vốn không đúng mục đích. Khi VDB Đắk Lắk – Đắk Nông yêu cầu cung cấp chứng từ xuất khẩu để chứng minh đã thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa thật, các đối tượng này đã làm giả cả chứng từ xuất khẩu, đồng thời có hành vi hối lộ Vũ Việt Hùng, Giám đốc VDB Đắk Lắk – Đắk Nông để được chấp nhận hồ sơ.
Sau khi vay vốn và sử dụng vốn không đúng mục đích dẫn đến không trả nợ được vốn vay cho VDB Đắk Lắk – Đắk Nông nên qua quan hệ cá nhân, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Ngân và Cao Bạch Mai đã đến Ngân hàng Phương Đông để đề nghị được vay vốn với mục đích để “chứng minh năng lực tài chính”. Theo hướng dẫn của một cán bộ Ngân hàng Phương Đông là Tạ Thị Xuân Ý (cùng bị truy tố trong vụ án về tội vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng), Trần Thị Xuân và Nguyễn Thị Vân đã hoàn thành các thủ tục vay vốn của Ngân hàng Phương Đông để chuyển vào hợp đồng tiền gửi của các doanh nghiệp này tại VDB VDB Đắk Lắk – Đắk Nông.
Ngày 8/12/2010, Trần Thị Xuân và Nguyễn Thị Vân đã mang hồ sơ pháp lý liên quan đến việc vay vốn đến Ngân hàng Phương Đông tại TP.HCM để làm thủ tục vay 200 tỷ đồng với mục đích chuyển tiền vào hợp đồng tiền gửi tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông để chứng minh năng lực tài chính của các doanh nghiệp do Vân và Xuân làm chủ. Ngân hàng Phương Đông đã cho Cty Minh Nhật của Trần Thị Xuân và HTX Sông Cầu của Nguyễn Thị Vân vay vốn như đề nghị với thời gian 1 tháng.
Sau khi vay được vốn của Ngân hàng Phương Đông, Trần Thị Xuân và Nguyễn Thị Vân còn giới thiệu để Cao Bạch Mai, Đặng Thị Ngân và Nguyễn Thị Kim Loan đến Ngân hàng Phương Đông vay vốn với nội dung và điều kiện tương tự. Sau khi thẩm tra hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Phương Đông đã cho Cty Minh Nhật của Cao Bạch Mai vay 100 tỷ đồng, Cty Phát Long của Nguyễn Thị Kim Loan vay 200 tỷ đồng và Cty Thủy Ngân của Đặng Thị Ngân vay 30 tỷ đồng. Số tiền vay của các doanh nghiệp trên đều chuyển về tài khoản tiền gửi tại VDB Đắk Lắk – Đắk Nông.
Tiền của VDB bị lấy làm “vật chứng”
Do các Cty trên đều đang vay vốn của VDB Đắk Lắk – Đắk Nông và đến hạn trả nợ nên Vũ Việt Hùng yêu cầu chủ các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục trả nợ cho VDB Đắk Lắk – Đắk Nông. Với số tiền đã vay được của Ngân hàng Phương Đông, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân, Cao Bạch Mai đã làm thủ tục trả nợ cho VDB Đắk Lắk – Đắk Nông. Trong đó, Cty Minh Nhật trả nợ 100 tỷ đồng, Cty Thủy Ngân trả nợ 30 tỷ đồng. Riêng số tiền mà Cty Phát Long vay của Ngân hàng Phương Đông đã được Nguyễn Thị Kim Loan chuyển cho Cty Nhật Tân hơn 174 tỷ đồng, chuyển cho HTX Sông Cầu hơn 25,5 tỷ đồng cũng để trả nợ vốn vay cho VDB Đắk Lắk – Đắk Nông.
Như vậy, số tiền mà các doanh nghiệp của Cao Bạch Mai, Trần Thị Vân, Nguyễn Thị Kim Loan và Đặng Thị Ngân vay được từ Ngân hàng Phương Đông đều đã được các doanh nghiệp này sử dụng để trả nợ các khoản nợ tín dụng xuất khẩu đến hạn mà trước đây đã vay của VDB Đắk Lắk – Đắk Nông. Sau khi thu nợ của các doanh nghiệp trên, VDB Đắk Lắk – Đắk Nông đã chuyển tiền về hội sở chính của VDB tại Hà Nội để hạch toán.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 tuần kể từ ngày VDB Đắk Lắk – Đắk Nông thu hồi số vốn trên, cơ quan điều tra (CQĐT) đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can với Vũ Việt Hùng, Cao Bạch Mai, Trần Thị Vân, Đặng Thị Ngân và một số cán bộ của Ngân hàng Phương Đông về các tội danh như lừa đảo, đưa và nhận hối lộ và tội vi phạm các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng. CQĐT cũng có quyết định “tạm giữ” của VDB số tiền hơn 511 tỷ đồng với tính chất là “vật chứng” của vụ án để phục vụ việc điều tra, xét xử.
Ngày 23/4/2014, TAND tỉnh Đắk Nông đã xét xử sơ thẩm vụ án và ngày 26/9/2014, Tòa Phúc thẩm TANDTC đã xử phúc thẩm vụ án tham nhũng, lừa đảo nghiêm trọng này. Bị cáo Vũ Việt Hùng bị kết án tử hình; các bị cáo khác lần lượt nhận án tù chung thân và tù có thời hạn, với mức án nhẹ nhất là 5 năm tù. Nhưng điều đáng nói trong vụ án này là việc Tòa án tuyên bố “xử lý vật chứng” trả lại Ngân hàng Phương Đông 529 tỷ đồng, trong đó có hơn 511 tỷ đồng trong tài khoản của VDB.
Với quyết định này của bản án thì toàn bộ số tiền mà VDB Đắk Lắk – Đắk Nông đã thu nợ đã bị đòi lại và trả cho Ngân hàng Phương Đông. Theo đó, Ngân hàng Phương Đông thực tế không mất gì, còn người bị thiệt hại thật sự lại chính là Ngân hàng Phát triển Việt Nam – VDB.
Về vấn đề này, đại diện của VDB cho rằng quyết định của Tòa án không hợp lý, vì toàn bộ số tiền được coi là “vật chứng” vốn dĩ là tài sản của VDB. Quá trình VDB Đắk Lắk – Đắk Nông thu hồi nợ của các doanh nghiệp vay vốn là đảm bảo đúng pháp luật nên số tiền thu hồi nợ đã trở thành tài sản của VDB, không phải là tài sản của các doanh nghiệp đã vay vốn của Ngân hàng Phương Đông nữa. Do đó, việc coi số tiền trên của VDB là vật chứng để thu giữ và trả lại cho Ngân hàng Phương Đông là không đúng pháp luật, xâm phạm đến tài sản nhà nước.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, lý lẽ của đại diện VDB không phải không có căn cứ. Vì vật chứng là những vật cụ thể mang dấu vết của tội phạm. Nếu là tiền thì vật chứng phải là “tờ tiền” liên quan đến việc phạm tội chứ không phải là “số tiền” chung chung. Vì, tiền là tài sản nên việc giữ một số tiền khác của VDB và cho đó là vật chứng là không có căn cứ, dẫn đến việc xử lý vật chứng không đúng.
Trong vụ việc này, số tiền từ Ngân hàng Phương Đông chuyển sang VDB Đắk Lắk – Đắk Nông và chuyển về VDB liên quan đến trách nhiệm dân sự của các bị cáo cũng như những tổ chức, cá nhân có liên quan nên phải được xem xét, xử lý đúng về pháp luật dân sự. Coi tiền của VDB là “vật chứng” rồi trao trả cho Ngân hàng Phương Đông như phán quyết của Tòa án là không phù hợp, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước. Do đó, cần phải xem xét lại nội dung này của Bản án phúc thẩm 357/2014/HSPT ngày 26/9/2014 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng./.