Tham gia trả lời các câu hỏi của phóng viên gồm các thành phần chủ trì cuộc họp báo gồm: ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao; ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
|
Buổi họp báo quốc tế lần thứ 3 về tình hình biển Đông của Bộ Ngoại giao trong thời gian hơn nửa tháng qua. |
Trước phần đặt câu hỏi – trả lời, hàng trăm phóng viên đã được nghe trình bày về cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa do ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm UBBGQG trình bày.
Phóng viên báo PLVN trích lại những câu hỏi và trả lời trong buổi họp báo giữa phóng viên đối với các đại diện chủ trì cuộc họp của Bộ Ngoại giao.
Phóng viên báo Vietnamnet đặt câu hỏi: Về Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có giá trị về mặt pháp lý không?
Ông Trần Duy Hải trả lời câu hỏi: Công thư của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là 1 văn bản ngoại giao. Công thư này có giá trị pháp lý về vấn đề được nêu trong đó. Nó không có giá trị đối với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc.
Phóng viên báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Vừa qua, mạng xã hội và các trang tin có rất nhiều hình ảnh quân đội Trung Quốc đưa quân và tập trung ở vùng biên giới, phía Việt Nam có nhận được thông tin này hay không?
Ông Trần Duy Hải trả lời: Các hoạt động giao thương, giao lưu phía biên giới vẫn diễn ra bình thường. Chúng tôi chưa nhận được thông tin nào về việc này.
Trong cuộc gặp giao thương giữa hai nước vừa rồi cũng đã thống nhất không sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề.
Phóng viên kênh VTC10 đặt câu hỏi: Vừa qua Trung Quốc nói Việt Nam đưa tàu quân sự ra khu vực giàn khoan, trong khi đó Trung Quốc chỉ đưa tàu chấp pháp. Điều này có đúng hay không?
Ông Ngô Ngọc Thu trả lời: Vừa qua, Trung Quốc đã đưa rất nhiều tàu chiến, tàu quân sự, tàu dịch vụ ra nhằm mục đích bảo vệ cho khu vực giàn khoan trái phép. Các loại tàu như tàu vận tải đổ bộ, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tuần tiễu săn ngầm, tàu khu trục tên lửa hoạt động trái phép đều được lực lượng của chúng ta ghi lại số hiệu.
Về phía Việt Nam, chúng ta đưa ra 1 số lượng tàu hạn chế, làm nhiệm vụ hợp pháp chứ không hề có tàu quân sự. Điều này các phóng viên trong nước và quốc tế đều được chứng kiến. Chúng tôi có đầy đủ hình ảnh chứng minh điều này.
Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đặt câu hỏi: Ông có thể bình luận về việc Trung Quốc cáo buộc liên tiếp gây hấn? Cho đến thời điểm hiện tại, Asean mới ra 1 tiếng nói chung, sắp tới Việt Nam sẽ làm gì để có được sự ủng hộ của Asean trong việc công nhận chủ quyền của VN ở TS và HS.
Ông Ngô Ngọc Thu trả lời: Trung Quốc cáo buộc lực lượng Việt Nam cho tiến hành đâm va các tàu của Trung Quốc, đây là 1 thông tin hết sức sai lệch, chúng tôi ra sức bác bỏ thông tin này.
Thời kì cao điểm, Trung Quốc đã huy động 137 tàu tới giàn khoan và các tốp máy bay, sử dụng vòi rồng công suất lớn, sử dụng âm thanh với công suất lớn gây khó chịu và ảnh hưởng đến các tàu của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc liên tiếp đâm va, gây hấn với các tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp. Việt Nam không sử dụng vũ lực mà chỉ sử dụng biểu ngữ và các loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc cho rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.
Thực tế, tàu của Việt Nam liên tiếp bị tàu Trung Quốc đâm va và gây hư hỏng. Hình ảnh chúng tôi cung cấp cho báo chí cho thấy Trung Quốc đã liên tiếp chủ động tấn công tàu Việt Nam.
Ông Lê Hải Bình trả lời: Các vị lãnh đạo cấp cao Asean đã đề cập đến vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép, đặc biệt Asean còn ra tuyên bố chung… Đây chính là điểm nhấn. Ngoài ra, các nước Asean khác cũng ra tuyên bố riêng về việc này, yêu cầu các nước liên quan không sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề này.
Dư luận thế giới đang ủng hộ Việt Nam dùng biện pháp hòa bình trong việc giải quyết vấn đề này. Trong các cuộc gặp song phương và đa phương tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này.
Phóng viên Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi: Gần đây báo Nước Nga ngày nay có bình luận về quan hệ Nga – Trung, trong đó có rất nhiều quan điểm không khách quan, không có lợi cho Việt Nam, ông bình luận thế nào? Trên mạng có thông tin Trung Quốc đưa công nhân về nước, lợi dụng việc đó để bóp méo tình hình an ninh trật tự của Việt Nam. Điều này có đúng hay không?
Ông Lê Hải Bình trả lời: Đây là 1 bài báo thể hiện ý kiến cá nhân hết sức phiến diện. Chúng tôi đã làm việc với phía Nga và họ khẳng định, đây chỉ là ý kiến cá nhân của phóng viên viết bài báo này.
Về việc Trung Quốc rút công nhân về nước, cho đến nay, chúng tôi khẳng định, tình hình đã ổn định, các doanh nghiệp đã ổn định kinh doanh. Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ đảm bảo không tái diễn những sự cố đáng tiếc như ở Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá cao xử lý của Chính phủ Việt Nam, họ cũng hoàn toàn tin tưởng vào việc Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm lợi ích cho họ.
Phóng viên báo Pháp luật TP.HCM đặt câu hỏi: Theo quan điểm của Việt Nam, các đảo ở Hoàng Sa là vùng tranh chấp hay không tranh chấp? Nó khác nhau ở cái gì?
Ông Trần Duy Hải trả lời: Tôi đã khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cho thấy Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, với thiện chí hòa bình, chúng ta sẵn sàng trao đổi với Trung Quốc về vấn đề này, nhưng việc Trung Quốc khẳng định họ có chủ quyền đối với Hoàng Sa là hoàn toàn sai, đối nghịch lại lời phát biểu trước đó của lãnh đạo Trung Quốc.
Phóng viên hãng Thông tấn của Nhật Bản đặt câu hỏi: Mới đây, Trung Quốc tuyên bố cho dừng 1 số hoạt động giao lưu của Việt Nam, hoạt động này là gì? Có ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam hay không?
Ông Trần Duy Hải: Cho đến nay, mọi hoạt động giao lưu giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiến hành bình thường. Có thể Trung Quốc muốn nói về việc đưa các lao động phổ thông ở Việt Nam về nước.
Tại khu vực mà Ttung Quốc đặt giàn khoan, đã có 1 số nghiên cứu và khảo sát ở khu vực này, tuy nhiên, chúng tôi chưa cho khoan nên chưa thể khẳng định ở đây có dầu khí hay không. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá khu vực này không được khả quan.
Phóng viên báo Infonet đặt câu hỏi: Vừa qua có thông tin Trung Quốc bắt công dân Việt Nam kí vào bản đồ công nhận Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc mới cho nhập cảnh, Việt Nam đã biết vấn đề này hay chưa? Việt Nam có hướng giải quyết gì cho công dân của mình?
Ông Lê Hải Bình trả lời: Chúng tôi chưa nhận được thông tin như phóng viên đã đưa, tuy nhiên chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra lại thông tin này. Nếu có thực, chúng tôi sẽ yêu cầu giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Phóng viên báo VnExpress đặt câu hỏi: Hiện nay chúng ta đang kiên trì các biện pháp hòa bình, nhưng nếu sắp tới Trung Quốc không có biện pháp tích cực thì Việt Nam có biện pháp mạnh mẽ nào hay không?
Ông Trần Duy Hải trả lời: Như Thủ tướng của chúng ta đã nói, chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tuy nhiên, nếu cần thiết, chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Phóng viên báo Dân Việt đặt câu hỏi: Trong chuyến thăm và làm việc Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đề cập đến vấn đề đấu tranh pháp lý, hôm qua Nhà Trắng cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong việc đấu tranh pháp lý, vậy Việt Nam có tận dụng sự ủng hộ này của quốc tế hay không?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp, nằm trong các công ước quốc tế. Việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà Hà cũng chia sẻ thêm, Việt Nam có thể sử dụng tất cả các biện pháp để bảo vệ chủ quyền: “Chúng tôi có nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng mọi biện pháp”.
Phó Đại sứ của Úc đặt câu hỏi: Cho đến nay, giàn khoan của Trung Quốc đã hoạt động được 3 tuần, Việt Nam có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sắp tiến hành hoạt động khoan thăm dò ở vùng biển đó hay chưa?
Ông Đỗ Văn Hậu trả lời: Nếu theo quy trình của việc định vị và các công tác chuẩn bị thì thời gian đã đủ để tiến hành khoan, tuy nhiên phía Việt Nam không tiếp cận được vào gần giàn khoan nên chưa thể xác định Trung Quốc đã khoan hay chưa./.