Có bằng Đại học Luật, có thời gian công tác pháp luật 5 năm trở lên, đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng..., những tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên (CCV) theo Luật Công chứng hiện hành xem ra rất “chuẩn”. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, Luật quy định miễn đào tạo nghề cho quá nhiều đối tượng khiến cho chất lượng CCV không đồng đều, tiềm ẩn những nguy cơ khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch.
|
Khắc phục sự “dễ dãi” trong quy định của pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải sửa Luật Công chứng. Ảnh minh họa |
Quá nhiều đối tượng được miễn
Còn nhớ một thời, sau khi Luật Công chứng có hiệu lực, Hà Nội “bùng phát” các văn phòng công chứng, theo đó số lượng CCV cũng tăng “đột biến”, nhiều người đang là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra, luật sư ... cũng “bỏ nghề” sang đầu quân cho công chứng. Điều đó cho thấy, mô hình xã hội hóa mới thu hút nhiều nhân lực, tuy nhiên, mặt trái là sự, xem ra được cấp thẻ hành nghề có vẻ rất ... đơn giản.
Đơn giản không phải vì tiêu chuẩn thấp mà vì việc miễn đào tạo nghề. Theo quy định của Luật Công chứng những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật thì được miễn đào tạo nghề công chứng (và những người này cũng được miễn luôn tập sự hành nghề).
Nhiều ý kiến cho rằng đúng là những đối tượng được miễn nói trên là những người có học hàm học vị, có trình độ pháp luật cao nhưng không phải vì thế mà “bổ nhiệm thẳng” cho họ bởi CCV là nghề rất đặc thù, tính tự chịu trách nhiệm cao. Không hẳn cứ làm điều tra, cứ có bằng cấp luật cao... là có thể làm CCV không cần qua một ngày đào tạo.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, sau khi có Luật Công chứng, chất lượng một đội ngũ CCV đang có “vấn đề”. Những lùm xùm xung quanh vụ việc xảy ra tại một số văn phòng công chứng (mà điển hình là vụ Việt Tín, Hà Nội) đã nói lên điều đó. CCV không qua đào tạo dẫn đến tình trạng “chứng lấy được”, đã có vụ công chứng “nhầm” sổ đỏ, giấy tờ giả, công chứng hợp đồng bán nhà cho cả người không phải là chủ sở hữu, công chứng vào tài sản đang tranh chấp... Ngoài những vụ mà cơ quan pháp luật làm rõ lỗi do cố ý, còn lại nhiều CCV làm ẩu, làm sai là do năng lực có hạn.
Thuyết minh sửa đổi Luật Công chứng, Bộ Tư pháp thừa nhận: Do đội ngũ công chứng viên còn mỏng trước yêu cầu xã hội hóa công chứng, nên Luật Công chứng năm 2006 quy định đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn thời gian tập sự hành nghề công chứng có phần dễ dãi, do đó, chất lượng một bộ phận công chứng viên tại các văn phòng công chứng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những người không qua đào tạo, tập sự nghề công chứng dẫn đến sự non kém hoặc tắc trách về chuyên môn nghiệp vụ.
Không đào tạo cũng phải qua bồi dưỡng?
Khắc phục sự “dễ dãi” trong quy định của pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải sửa Luật Công chứng, trong đó cần thiết phải thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo cũng như tập sự hành nghề công chứng. Đối với người tập sự hành nghề, cần kéo dài hơn về thời gian cũng như quy định rõ về trình tự, nội dung tập sự để tránh việc “đánh trống ghi tên”. Luật Công chứng sửa đổi có thể tính đến cả việc quy định về sức khỏe đủ để hành nghề hoặc giới hạn độ tuổi vì hiện nay nhiều công chứng viên quá già, không đủ sức khỏe hoặc được cấp thẻ hành nghề không làm việc nhưng cũng không bị thu hồi…
Trong khi chở sửa Luật Công chứng, vấn đề nói trên cũng được đặt ra khi Bộ Tư pháp xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định việc bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc đối với người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng.
Theo đó, người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng sau khi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm CCV phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng trước khi thành lập văn phòng công chứng hoặc trước khi ký hợp đồng làm việc theo chế độ hợp đồng với một văn phòng công chứng, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ CCV. Tuy nhiên, ý kiến khác băn khoăn việc này có phù hợp với Luật Công chứng không ...?
Công chứng suy cho cùng cũng là nghề nhiều rủi ro, CCV phải chịu trách nhiệm suốt đời về hành vi của mình, vì thế để an toàn cho chính bản thân và tổ chức hành nghề, không còn cách nào khác hơn là CCV phải tự nâng cao trình độ và cẩn trọng hơn với từng hợp đồng mà mình đặt bút ký.
Duy Hưng