“Bỏ phố về rừng” chế chiếc máy đa năng trồng nông sản

(PLO) -Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP HCM, chuyên ngành kỹ thuật ô tô với tấm bằng loại giỏi, anh Trần Văn Hảo (27 tuổi, thôn Phước Hòa 4, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đã tìm được công việc với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, day dứt cảnh cha mẹ già yếu vẫn phải một nắng hai sương lam lũ giữa đồng, cử nhân trẻ đã từ bỏ tất cả để trở về quê hương, chế tạo ra chiếc máy trồng nông sản đa năng, vừa có thể trồng cây ở khoảng cách đều tăm tắp, vừa có thể bón phân, phun thuốc…giúp bà con tiết kiệm sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng. 
Chiếc máy đa năng có thể trỉa giống nghệ, bón phân

Bỏ phố về quê

Tại xưởng cơ khí, biết có người đến hỏi thăm, anh Hảo trong bộ trang phục lấm lem dầu mỡ, mồ hôi nhễ nhại quay lại nhoẻn cười chào. Thay vội bộ quần áo, anh cho biết thời gian gần đây phải tranh thủ làm cho kịp tiến độ mấy đơn đặt hàng của khách.  

Theo lời Hảo, anh sinh ra lớn lên trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh tương đối khó khăn. Rời quê vào học đại học tại TP HCM, chàng sinh viên vẫn phải tìm việc làm thêm để lo cho cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho mẹ cha. Năm 2012, tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP HCM chuyên ngành Kỹ thuật ô tô với tấm bằng loại khá, chàng trai quê  Đắk Lắk từng quyết tâm bám trụ nơi phố thị để tìm cho mình một việc làm đúng với chuyên môn, ngành nghề vừa học. 

Sau một thời gian ôm hồ sơ đi xin việc, anh được nhận vào làm chức vụ kỹ thuật viên cho một hãng ô tô lớn ngay tại trung tâm TP HCM với mức lương tương đối ổn. “Lúc đó tôi rất hài lòng với những gì mình đang có. Tôi dự tính vừa làm, vừa học hỏi, mày mò, tích lũy thêm kinh nghiệm để sau này có một hướng đi mới cho tương lai tại thành phố”, Hảo kể.

Những tưởng mức thu nhập cùng công việc ổn định, hợp trình độ tại phố thị thì Hảo sẽ bám trụ lại đây để lập nghiệp. Không ngờ, trong một lần trở về quê thăm gia đình, chàng trai trẻ đã thay đổi ý định. 

Theo Hảo, cha mẹ anh vốn là những nông dân chân lấm tay bùn để lo cho gia đình, nuôi các con ăn học nên người. Thế nhưng, khi anh ra trường, trở về nhà, nhìn thấy cảnh cha già vẫn phải đội mưa, vất vả giữa đồng thì không cầm lòng được. 

Ngoài cà phê, tiêu thì gừng, nghệ cũng là hai loại cây trồng phổ biến, là nguồn thu nhập chính của gia đình và bà con ở quê Hảo. Tuy nhiên, bà con quen với lối canh tác truyền thống, mất nhiều công sức, thời gian nhưng năng suất thấp… Những ngày trở lại thành phố, Hảo luôn trăn trở, nghĩ cách giúp gia đình, giúp bà con. Nhiều đêm liền anh trằn trọc không ngủ, tư tưởng chàng trai trẻ đấu tranh dữ dội giữa việc sẽ tiếp tục tìm hướng làm giàu ở phố hoặc trở về quê làm nông nghiệp để phụ giúp mẹ cha.

Hảo Tâm sự: “Năm 2015, sau nhiều tháng dằn vặn, đấu tranh tư tưởng, cuối cùng, tôi quyết định từ bỏ tất cả để trở về quê. Đó là một quyết định rất khó khăn trong cuộc đời. Nếu về quê mà làm ăn thành đạt thì không sao, nếu thất bại sẽ bị người khác chê cười”. 

Sáng chế được trao giải nhì trong một “Hội thi sáng tạo kỹ thuật”

Chiếc máy làm thay nông dân

Trở về quê, Hảo không vác cuốc ra đồng để làm việc, mà vùi đầu vào những trang sách, lên mạng tìm hiểu về các loại máy móc, ấp ủ ý tưởng về việc chế tạo ra chiếc máy trồng nông sản. 

Sau nhiều tháng trời “mòn đũng quần” các nhà sách, thư viện tìm tài liệu về cấu tạo, phương thức hoạt động của các loại máy tỉa giống để chọn lọc thông tin, Hảo nhận thấy rằng, phần lớn các gia đình ở quê thường trồng nghệ trên một diện tích nhỏ, có địa hình ghồ ghề. Anh tập trung nghiên cứu, chế tạo một chiếc máy nhỏ gọn, linh động trong quá trình di chuyển trên nhiều địa hình.

Phải mất gần 1 năm tìm tòi, nghiên cứu, cuối cùng Hảo đã chế tạo thành công chiếc máy trồng nông sản đa năng. Máy gồm các bộ phận chính như: khung sườn, hộc chứa phân, hộc chứa giống, lưỡi cày rạch hàng, lưỡi lấp đất, hệ thống dẫn động. Bên cạnh đó, chiếc máy này còn có thêm bộ phận nhả giống với khoảng cách 30cm. Theo anh, nguyên lý hoạt động của chiếc máy rất đơn giản và ai cũng có thể sử dụng được. Chiếc máy này chủ yếu dùng lực bám của bánh lết để dẫn động trục phân và mâm xoay tra củ giống, đảm bảo độ chính xác cao. 

Quá trình thử nghiệm máy, anh đưa vào áp dụng cho việc trồng nghệ. Qua đó, Hảo nhận thấy rõ khoảng cách giữa các hàng, giữa các củ giống, lượng phân đều có thể điều chỉnh được. Sau khi tính toán chi phí nhân công, thiết bị bỏ ra, anh dự tính giá bán chiếc máy đa năng này khoảng 30 triệu đồng. “Máy trồng có thể thay thế nhiều nhân công, tự động xuống giống nghệ, làm luống, bỏ phân, lấp đất. Quan trọng nhất, cây nghệ trồng theo khoảng cách đều tăm tắp để sau này nông dân dễ dàng làm cỏ, bón phân và chất lượng củ cũng đồng đều hơn”, anh chia sẻ.

Cũng theo lời anh Hảo, nếu 1 ha đất trồng nghệ cần từ 15-20 nhân công xuống giống trong 1 ngày thì với chiếc máy trồng nghệ này, mỗi gia đình chỉ cần 3 người sử dụng là có thể hoàn thành công việc. Trung bình, mỗi ngày một chiếc máy trồng nghệ có thể xuống giống trồng trên diện tích từ 1-1,5 ha đất. Điều này giúp nông dân tiết kiệm rất nhiều công sức và tiền bạc, trong khi đó năng suất lao động lại tăng cao. 

Không chỉ trồng nghệ, chỉ cần thay đổi một số bộ phận, chiếc máy cũng có thể bón phân, vun gốc khi cây nghệ và trồng các loại cây trồng khác như gừng, khoai tây, khoai môn…

Thử nghiệm chiếc máy trồng nghệ ở gia đình và một vài hộ xung quanh, anh nhận ra hiệu quả rõ rệt từ chiếc máy. Từ thành công ban đầu, anh chia sẻ thông tin chiếc máy đa năng lên mạng xã hội và nhận được những đánh giá tích cực. Hiện anh đã sản xuất, bán được một số máy cho bà con trong vùng. 

Nói về những dự định trong tương lai, Hảo cho biết: “Hiện tôi đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục bảo hộ bản quyền chiếc máy trồng nghệ đa năng. Từ những thành quả ban đầu, tôi phối hợp thêm với vài người bạn, tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời một chiếc máy trồng đa năng khác với kỹ thuật, công năng cao hơn, phục vụ trồng trọt, thu hoạch trên một diện tích lớn”.

Chàng trai hồ hởi: “Thành công ban đầu khiến tôi rất vui. Không những mình có thể tạo ra thu nhập cho bản thân, lo cho gia đình mà còn giúp được nhiều người, giúp bà con nông dân bớt khổ trong quá trình lao động. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm khác có ích cho xã hội”. 

Tháng 12/2017, anh Hảo đem sản phẩm của mình tham dự “Hội thi sáng tạo kỹ thuật” lần thứ VI, do Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Chiếc máy được Ban tổ chức hội thi đánh giá cao về mức độ sáng tạo cũng như khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất, được trao giải nhì. 

Đọc thêm