Những Akay của bản làng giữa đại ngàn A Lưới

(PLO) - Người dân nơi đây xem những thầy thuốc mang quân hàm xanh ấy như những người con của bản làng và họ đã dành cho những chiến sĩ này với một tên gọi hết sức thân thương: Những Akay của bản làng.
Bộ đội Biên phòng đang khám chữa bệnh cho bà con đồng bào.
Bộ đội Biên phòng đang khám chữa bệnh cho bà con đồng bào.

Tại huyện biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có 4 Đồn Biên phòng đóng quân và 5 phòng khám quân dân y kết hợp đóng tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn như xã Hồng Thái, Hồng Vân, Đông Sơn, A Đớt, xã Nhâm. Ngoài việc chăm lo đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ đơn vị, mỗi năm lực lượng quân y Bộ đội Biên phòng còn tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc cho khoảng một ngàn lượt người dân tại các địa phương.

Các phòng khám được xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc “Bộ đội Biên phòng tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế và tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, phường biên giới, hải đảo”. Ðồng thời, xây dựng đề án “Bộ đội Biên phòng tham gia các chương trình văn hóa - xã hội ở các xã, phường biên giới, hải đảo”, với năm nội dung trọng tâm: Tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh; tham gia phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho đồng bào; tham gia chương trình quân dân y; đưa văn hóa thông tin về cơ sở; thực hiện các dự án kinh tế - xã hội có ý nghĩa An ninh - Quốc phòng ở biên giới.

Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có địa bàn biên giới, hải đảo khá rộng, địa hình thì hiểm trở, trong khi đó các trạm y tế xã lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Trng khi đó, tâm lý của bà con đồng bào là vừa ngại đến cơ sở y tế, lại vừa không đủ điều kiện để tới khám và chữa bệnh. Nhưng nhờ nắm chắc được địa bàn, ngày đêm gần gũi và cắm bản của các chiến sĩ quân y nên bà con đồng bào đã dành cho các anh một niềm yêu mến tin tưởng tuyệt đối.

Ôm đau, bệnh tật hay sinh đẻ... là bà con đều đưa đến trạm quân dân y nhờ các anh giúp đỡ, chữa trị. Không những thế, với chủ trương 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con mà các chiến sĩ quân y đã kết hợp với các trạm y tế cơ sở thường xuyên trèo đèo, lội suối, băng rừng đến từng bản làng, tới từng gia đình để tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, về ăn, ở hợp vệ sinh, tẩm màn chống sốt rét. 

Ngoài việc khám chữa bệnh tại các đồn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh còn cho xây dựng và trang bị thêm phương tiện y tế, mở thêm các phòng khám quân dân y kết hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Không những thế, lực lượng quân y còn tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con nước bạn Lào ở khu vực giáp biên giới.

Thiếu tá Đặng Hồng Minh, Trạm trưởng trạm quân dân y xã Nhâm, huyện A Lưới cho biết: “Trước đây bà con dân bản do ít hiểu biết nên khi đau ốm cứ tưởng do con “Ma” bắt nên thường mời thầy mo thầy cúng đến nhà lo lễ cúng bái đuổi con ma ra khỏi người bệnh, có những trường hợp do để người bệnh ở nhà nhiều ngày nên bệnh càng ngày càng nặng. Sau đó, cán bộ vận động quần chúng của đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi vận động và đưa người dân đến phòng khám để chữa bệnh. Khi bà con đến đây khám chữa bệnh thì chúng tôi xác định phải tìm mọi cách để chữa lành bệnh cho họ khi đó nói họ mới nghe theo. Bằng những nỗ lực cố gắng của anh em y sỹ và đội ngũ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng nên giờ đây khi bị đau ốm là người dân đến bệnh xá khám xin thuốc điều trị”. 

Cứ thế, như đã thành thông lệ, hàng năm, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Y tế huyện, xã địa phương tổ chức các đợt khám sức khỏe cho bà con trên địa bàn biên giới. Các đợt khám, chữa bệnh đều được thông báo rộng rãi để đông đảo người dân trên địa bàn được biết. Thêm vào đó, trong các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho bà con bao giờ cũng có lồng ghép những buổi tuyên truyền bằng hình ảnh sinh động thu hút đông đảo người xem. Nội dung buổi tuyên truyền nhằm mục đích nâng cao ý thức cho người dân về những loại dịch bệnh đang phổ biến trên địa bàn như: Tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết…

Ngoài ra, các chiến sĩ quân y còn vận động đồng bào sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe, bài trừ các tệ nạn và hủ tục lạc hậu.

Bước chân của các chiến sĩ quân y đã tới với từng bản làng xa xôi hẻo lánh nhất để cắm bản khám, chữa bệnh cho bà con, dạy chữ cho các em nhỏ, tuyên truyền cho bà con phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khoẻ, thực hiện sinh đẻ kế hoạch để gia đình hạnh phúc, bản làng no ấm...

Những việc làm ấy của những chiến sĩ quân y đã tạo cho bà con vùng biên một niềm tin yêu tuyệt đối, họ coi các chiến sĩ như là những người con của bản. Ông  Đặng Văn Sâm, thôn A Ro, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: “Cái quân y Biên phòng nó tốt lắm, nó thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho dân bản mình, không chỉ khám ở bệnh xá mà nó còn đến từng nhà bảo dân mình ăn chín uống sôi, ngủ mắc màn để tránh con muỗi gây sốt rét và vận động dân mình nên đến trạm xá khám bệnh định kỳ để theo dõi sức khỏe. Dân mình tin yêu thầy thuốc quân hàm xanh lắm lắm, dân mình gọi họ là: Akay của bản có nghĩa là Con của bản làng”.

Đọc thêm