Nhận diện “rào cản”
Tại sự kiện Diễn đàn Nữ sinh Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam) kết hợp cùng Tổ chức Saigon Children's Charity vừa tổ chức, cựu cầu thủ Đỗ Thị Ngọc Châm - Quả bóng vàng Việt Nam 2008, cho biết chị không được gia đình ủng hộ theo đuổi bóng đá mà muốn chị trở thành cô giáo - nghề thường được xem là “truyền thống” của nữ giới. Chị quyết tâm theo đuổi đam mê và từng bị chấn thương nặng năm 18 tuổi, đối diện với nguy cơ phải nghỉ đá bóng. Nhưng sau cùng chị quyết tâm không từ bỏ, tập phục hồi chức năng trong thời gian dài và đã trở lại được sân cỏ, đạt được các thành tựu.
Sinh năm 1981, GS.TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng nguyên là Thủ khoa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được TP Hà Nội tuyên dương năm 2003, được xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2019 ở tuổi 38. Theo GS.TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng, khoa học kỹ thuật không được coi là vùng đất thân thiện với phụ nữ bởi những định kiện giới ăn sâu bám rễ ngành khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, khát khao theo đuổi khoa học, tri thức là động lực mạnh mẽ để nhà khoa học nữ vươn lên, đặt từng mục tiêu nhỏ, những viên gạch nhỏ để xếp thành các bậc thang tiến tới các thành tựu…
Tại sao chúng ta lại có định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp? Đó là câu hỏi được đặt ra tại talkshow “Chuyện giới - Chuyện nghề” diễn ra tại Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP HCM) trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Tại Tọa đàm, theo TS. Phạm Kim Anh, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXHNV, Chủ tịch sáng lập Học viện quản trị ESI, trong ngôn ngữ đông y học thì định kiến giới còn được gọi là thiên kiến và bao gồm rất nhiều dạng thiên kiến như thiên kiến về sắc tộc, thiên kiến về giai cấp trong xã hội, thiên kiến về vai trò của từng cá nhân trong một tổ chức...
Bà Sabrina Uyên Lưu, Tổ chức giáo dục và hướng nghiệp LeapEd Vietnam, cũng đưa ra nhiều quan điểm ở nhiều khía cạnh khác nhau để các bạn trẻ hiểu rõ hơn định kiến giới. Theo bà: “Định kiến giới phản ánh những điều rất tự nhiên của con người. Chẳng hạn một em bé nhỏ xíu đã biết được màu xanh là của con trai và màu hồng là của con gái. Đặt ra như vậy để mình dễ dàng giải thích những cái định nghĩa khác nhau, giải thích những giới tính khác nhau, những xu hướng khác nhau. Vô tình nó đã ăn sâu vào trí não và làm cho mình có sự phân biệt như vậy”.
Tạo động lực để vượt qua định kiến xã hội
Hiện nay, nữ giới chỉ chiếm khoảng 28% lực lượng lao động khoa học kỹ thuật nhưng đã và đang đóng góp nhiều vai trò thiết yếu trong sự phát triển. Rất nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam đã được thế giới vinh danh như: PGS. TS Trần Thị Lý - Giải thưởng Noam Chomsky; PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Giải thưởng L'Oreal 2019; TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Giải thưởng L'Oreal 2019; GS.TS Nguyễn Thị Kim Thanh - Huy chương Rosalind Franklin… Vì thế, tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực STEM (là thuật ngữ để chỉ các ngành học Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tại Việt Nam là điều cần làm và đây cũng là chủ đề của Tọa đàm do Hội đồng Anh kết hợp với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức.
Với tư cách là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về đào tạo các ngành khoa học tự nhiên, những thành công của đội ngũ các nhà khoa học nữ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đạt được trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng đã góp phần không nhỏ khẳng định vị thế của nhà trường. Nhưng nếu nhìn rộng ra, tại Việt Nam, tỷ lệ các nữ cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế vẫn thấp hơn so với nam giới. Mặc dù nữ giới đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhưng cơ hội nghề nghiệp cho nữ giới khẳng định trong lĩnh vực STEM vẫn chưa nhiều.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã khẳng định trong thời gian qua, bình đẳng giới đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục cũng như trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam thông qua những kế hoạch hành động cụ thể. Tuy nhiên, việc phát triển vai trò lãnh đạo của nữ giới vẫn còn gặp nhiều hạn chế và cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ những vấn đề như: quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của nam và nữ; bất bình đẳng trong giáo dục; bất bình đẳng giới trong tham gia chính trị xã hội; thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới...
Còn nhớ, tháng 5/2022, tại ngày hội STEM 2022 diễn ra tại Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Trung ương Đoàn, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ đạo tổ chức, sự tham gia của lớp trẻ đã cho thấy giáo dục STEM đã bắt đầu lan tỏa và có nền tảng phát triển vững. Các em học sinh từ thành thị đến nông thôn và miền núi, từ trường chuyên danh tiếng đến trường làng đều hăng hái giới thiệu các hoạt động học tập, sinh hoạt câu lạc bộ theo định hướng STEM hết sức đa dạng tại ngôi trường của mình. Báo cáo của các em học sinh làm rõ những thuận lợi cũng như thách thức trong việc tiếp cận giáo dục STEM ở mỗi khu vực. Đặc biệt, tại ngày hội, sự tham gia thuyết trình của các cựu học sinh từng đạt giải cao trong các cuộc thi STEM quốc tế, đang làm nghiên cứu ở nước ngoài đã cổ vũ tinh thần các em học sinh có niềm say mê với các hoạt động giáo dục STEM ở trong nước.
Qua đó có thể thấy, với người trẻ bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, đôi khi, vì những bức tường vô hình mang tên “định kiến xã hội” khiến họ không còn dám khao khát, khẳng định bản thân và từ bỏ đi ước mơ vốn có. Và trong mỗi gia đình, khi phụ huynh lựa chọn ngành nghề cho con cái, điều họ thường quan tâm là khả năng và giới tính của con mình có phù hợp với ngành nghề hay không và khi biết ngành nghề đó không phù hợp với giới tính thì sẽ lập tức bác bỏ. Vô hình trung sẽ làm cho các con nghi ngờ về khả năng và không dám bước tiếp để thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình.
Vì thế, nói như TS. Phạm Kim Anh tại talkshow “Chuyện giới - Chuyện nghề”: “Để không bị giới tính trở thành rào cản thì yếu tố đầu tiên chúng ta phải có cái nhìn đa dạng giới, chúng ta tự tin thể hiện giới. Thứ hai, là chúng ta phải có năng lực. Thứ ba, là phải có động lực, động lực nó sẽ là đòn bẩy. Khi mà những thiên kiến về giới nó tấn công mình hoặc là chỉ trích mình thì mình sẽ có điểm tựa, để mình có thể tựa vào, đứng vững được và đi tiếp”.