Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

(PLO) - Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ là việc làm đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua đã có không ít trường hợp lợi dụng nghĩa cử trên để trục lợi. Chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 214 hướng dẫn về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
 
Truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ.-  Ảnh: Hồ Cầu (TTXVN).
Truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ.- Ảnh: Hồ Cầu (TTXVN).
Cung cấp thông tin về liệt sĩ là trách nhiệm của mỗi tổ chức, công dân
Bất kể cá nhân hay tổ chức nào khi có thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, không đơn giản là việc họ thích thì cung cấp thông tin và không thích thì thôi mà đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Khẳng định lại vấn đề này, tại Thông tư 214, Bộ Quốc phòng quy định rõ: tổ chức, cá nhân có thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ có trách nhiệm cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và các cơ quan thông tấn, báo chí phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nội dung cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ bao gồm: Cơ sở nguồn tin; vị trí, số lượng mộ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí và các đặc điểm liên quan khác (nếu có).
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do các tổ chức, cá nhân cung cấp. Khi xác định được yếu tố cần thiết, có tính xác thực, cung cấp cho lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Ngoài lực lượng chuyên trách, Bộ Quốc phòng cũng cho phép thành lập lực lượng lâm thời và trưng dụng lực lượng phối hợp để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Thành phần của lực lượng trưng dụng gồm có lực lượng dẫn đường, lực lượng bảo vệ, lực lượng giúp việc đào bới, khai quật. Trong đó, lực lượng dẫn đường là những người biết thông tin chính xác mộ liệt sĩ, có sức khỏe, trực tiếp chỉ dẫn cho lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; lực lượng giúp việc đào bới, khai quật là dân quân, tự vệ và nhân dân trên địa bàn, được huy động tham gia quy tập và dưới sự chỉ huy của đơn vị tổ chức tìm kiếm, quy tập.
Chỉ lực lượng chuyên trách hoặc lực lượng lâm thời mới được cất bốc
Lâu nay, vì nóng lòng muốn tìm được mộ của người thân nên nhiều thân nhân liệt sỹ đã tự đứng ra nhờ nhà ngoại cảm hoặc theo sự chỉ dẫn của đồng đội cũ của liệt sĩ để tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ về quê. Hậu quả là có nhiều trường hợp đã bốc nhầm mộ của liệt sĩ khác, thậm chí có không ít vụ bốc lẫn cả xương động vật. 
Chấn chỉnh tình trạng này, Thông tư 214 quy định trước khi cất bốc mộ liệt sĩ, phải xác định rõ nguồn thông tin có căn cứ; tổ chức khảo sát, xác minh, đối chiếu, so sánh giữa danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí của đơn vị (nếu có) với vị trí của từng ngôi mộ để xác định họ tên, quê quán của liệt sĩ; khi cất bốc hài cốt liệt sĩ theo kế hoạch đã được phê duyệt thì chỉ có lực lượng chuyên trách hoặc lực lượng lâm thời do các đơn vị quân đội chỉ huy, quản lý thực hiện nhiệm vụ cất bốc, quy tập; các lực lượng khác tham gia phối hợp không được tự tổ chức lực lượng cất bốc. Mộ liệt sĩ sau khi cất bốc đều phải lập hồ sơ bao gồm: Đơn vị làm nhiệm vụ cất bốc; nguồn thông tin về vị trí mộ; thời gian cất bốc; tọa độ, sơ đồ, vị trí nơi phát hiện ra mộ; họ tên, quê quán liệt sĩ (nếu có); biên bản kiểm kê hài cốt, di vật (nếu có). Hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin về danh tính, sau khi quy tập lấy mẫu sinh phẩm để lưu giữ xét nghiệm ADN.
Người cung cấp thông tin về liệt sĩ được bồi dưỡng 02 triệu đồng
Cũng liên quan đến nội dung quy tập hài cốt liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg quy định về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Theo quy định này, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng thuộc biên chế của các đội chuyên trách trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước, ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm với mức 0,5 so với mức lương cơ sở; được bồi dưỡng trực tiếp khi làm nhiệm vụ  khảo sát, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ 100.000 đồng/người/ngày; được bồi dưỡng sức khỏe với mức 280.000 đồng/người (không quá 02 lần/năm)….
Khi làm nhiệm vụ ở ngoài nước, các đối tượng trên được bồi dưỡng trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ mức 220.000 đồng/người/ngày thực tế làm nhiệm vụ; được bồi dưỡng sức khỏe mức 280.000 đồng/người (không quá 02 lần/năm); được hỗ trợ học tiếng Lào, tiếng Campuchia mức 500.000 đồng/người/năm (thời gian không quá 03 năm)…
Ngoài ra, người được cấp có thẩm quyền huy động trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (người dẫn đường, bảo vệ; tham gia trực tiếp các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ) được hưởng mức bồi dưỡng 220.000 đồng/người/ngày thực tế được huy động khi làm nhiệm vụ ở ngoài nước và 100.000 đồng/người/ngày khi làm nhiệm vụ ở trong nước; được đảm bảo tiền ăn bằng 02 lần mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; được cấp tiền mua trang phục chuyên dùng nếu có thời gian trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ 03 tháng trở lên; được bố trí phương tiện đi lại hoặc thanh toán tiền đi lại như đối với cán bộ, công chức đi công tác; được thanh toán viện phí, chi phí chuyển thương nếu bị thương, bị bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế.
Đáng chú ý, Quyết định cũng chỉ rõ, người cung cấp thông tin về liệt sĩ sẽ được bồi dưỡng 02 triệu đồng đối với thông tin chính xác, tìm kiếm, quy tập được ít nhất là một hài cốt liệt sĩ.

Đọc thêm