Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự (THADS) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (21/4) thừa nhận những hạn chế trong công tác THADS do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu từ quy định của Luật THADS, nên Chính phủ đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật này để đảm bảo các bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Tự xác minh điều kiện thi hành án khiến án tồn
Theo Điều 44 Luật THADS 2008, người được THA có nghĩa vụ tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA; nếu muốn yêu cầu cơ quan THADS tiến hành xác minh thì phải chứng minh là đã tiến hành xác minh nhưng không có kết quả và phải chịu chi phí yêu cầu xác minh. Vậy là, dù có bản án của Tòa án, người được THA vẫn phải ngược xuôi để lấy được tài sản trong thực tế.
Trong khi đó, với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ chế quản lý, công khai tài sản chưa được hoàn thiện, minh bạch, sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân để người được THA thực hiện nghĩa vụ này còn chưa hiệu quả khiến nghĩa vụ xác minh điều kiện THA trở thành gánh nặng cho người được THA. Chính phủ còn cho rằng, việc người được THA gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc xác minh điều kiện THA, nhất là khi phải xác minh tại các cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng án hiện nay.
Bày tỏ tán thành chuyển trách nhiệm xác minh điều kiện THA cho cơ quan THADS, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cung cấp thêm thực tế những năm qua, việc giao trách nhiệm xác minh điều kiện THA cho người được THA và qui định họ phải chịu chi phí nếu yêu cầu cơ quan THADS xác minh đã bộc lộ nhiều bất cập, không bảo đảm quyền lợi chính đáng của đương sự. Vì thế, nên để cơ quan THADS ra quyết định THA không buộc phải có đơn yêu cầu THA, còn việc thay đổi, đình chỉ THA dựa trên việc người được THA từ bỏ quyền.
Do đó, tiếp cận từ quan điểm “việc gì có lợi cho dân thì làm”, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được THA, Dự án Luật đã bỏ nghĩa vụ của người được THA trong việc phải chứng minh điều kiện THA của người phải THA. Nghĩa vụ này được chuyển lại cho cơ quan THADS như đã từng được qui định trước khi có Luật 2008.
Bên cạnh đó, để bảo đảm sự chủ động tham gia vào quá trình THA, Dự thảo Luật vẫn dành cho người được THA quyền xác minh, cung cấp cho cơ quan THA thông tin về tài sản, điều kiện THA của người phải THA (nếu có) hoặc ủy quyền cho người khác xác minh. “Với quy định này, quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA sẽ được bảo vệ tốt hơn, thông qua đó, niềm tin vào pháp luật trong nhân dân sẽ được nâng lên một bước” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Không có yêu cầu thi hành án, bản án “mất hiệu lực”?
Nhân sửa đổi Luật THADS, nhìn lại việc THADS vụ án Vinashin để thấy, việc pháp luật về THADS qui định về quyền yêu cầu THADS đã “mở một cánh cửa” cho người được THA quyền “cản bước” cơ quan THADS trong việc thực hiện bản án, quyết định của Tòa án, cũng như cho họ có cơ hội không tôn trọng bản án, quyết định của Tòa án.
Trong vụ án Vinashin, khoản bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng là khoản THA theo yêu cầu. Nhưng vì các “khổ chủ” của khoản bồi thường tiền tỷ này dửng dưng với việc yêu cầu THA khiến cơ quan THADS chỉ biết... ngồi chờ; không những thế còn khiến dư luận nghi ngờ về những “uẩn khúc” trong việc THA.
Việc các chủ nợ của Vinashin không yêu cầu THA đã buộc các cơ quan chức năng phải “nhờ” đến Bộ chủ quản của các doanh nghiệp trong vụ án Vinashin là Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh để bên được THA có đơn yêu cầu THA, làm cơ sở cho việc tổ chức THA vì khoản bồi thường này được xác định chính là tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp là bên được THA.
Cùng với việc “không hành động”, làm chậm tiến trình THA như trên, trong thực tiễn còn có nhiều trường hợp đương sự câu kết, lợi dụng việc được thỏa thuận THA (như qui định của Luật THADS 2008 để khuyến khích các đương sự thiện chí, hợp tác với nhau trong quá trình THA, đúng nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”) để trốn tránh việc THA, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, tập thể và cá nhân.
Tuy nhiên, sửa đổi Luật THADS lần này chưa đề cập đến việc “đối phó” với tình huống người được THA không yêu cầu THA làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba, mà chỉ bổ sung điều kiện của thỏa thuận hợp pháp của các đương sự là “không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” và qui định khẳng định ý nghĩa của việc thỏa thuận, giá trị của việc thực hiện theo thỏa thuận, tránh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo sau thỏa thuận.
Rõ ràng, để bên được THA tự quyết định về số phận tài sản của mình thông qua việc có làm đơn yêu cầu THA hay không là tôn trọng ý chí của người đó, nhưng việc pháp luật chưa đề cập đến trường hợp bên được THA không yêu cầu THA mà ảnh hưởng đến quyền lợi người thứ ba là một lỗ hổng, vô hình trung làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật như trường hợp THA trong vụ Vinashin nói trên.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định vào Dự thảo Luật mỗi ngày chậm THA thì người phải THA phải nộp ngân sách nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa THA. Chính phủ hy vọng giải pháp này ngăn chặn những trường hợp người phải THA không tự nguyện, cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ THA của mình dù có điều kiện THA, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng trong thời gian qua. Hơn nữa, hành vi trì hoãn THA đã được qui định xử phạt hành chính với mức tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nhưng không đủ sức răn đe đối với những trường hợp phải THA khoản tiền lớn.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, bổ sung quy định đó là chưa thỏa đáng, không có cơ sở và trái với bản chất của xử phạt vi phạm hành chính, gây sự trùng lắp với qui định tại Khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính và trái với quy định về trách nhiệm dân sự theo Điều 305 Bộ luật Dân sự. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định sẽ tiếp thu theo hướng bỏ qui định này trong Dự thảo Luật.