Theo đó, tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg được Thủ tướng ký ban hành ngày 17/8/2020, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg (ngày 26/9/2018) về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020, có 44 thủ tục hành chính được bổ sung vào danh mục thực hiện NSW.
Bộ Y tế có số lượng nhiều nhất với 15 thủ tục, như: Cấp mới số lưu hành đối với trang thiết bị y tế là phương tiện đo nhưng không phải phê duyệt mẫu theo quy định của pháp luật về đo lường; cấp nhanh số lưu hành đối với trang thiết bị y tế; cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế; cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất; cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất…
Tiếp theo là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 12 thủ tục; Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng cùng có 6 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 thủ tục. Riêng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ có 1 thủ tục là “kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (nhóm 2) nhập khẩu”. Đa số các thủ tục được bổ sung có thời hạn hoàn thành trong năm 2020.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, Quyết định 1258 cũng đưa ra khỏi danh mục thực hiện (được quy định tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg) đối với 38 TTHC của 8 bộ: Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Công an; Ngân hàng Nhà nước; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ Quốc phòng có số lượng nhiều nhất với 14 thủ tục như: thủ tục cấp, tạm dừng và hủy tài khoản truy cập cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển đối với người làm thủ tục; thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa đến cửa khẩu cảng; thủ tục biên phòng điện tử đối với công dân Việt Nam, Trung Quốc nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc…
Ngoài ra, Bộ Công Thương có 1 thủ tục; 4 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 8 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 2 của Bộ Công an; 1 của Bộ Y tế; 3 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 5 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Liên quan đến kết quả thực hiện, theo số liên mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ khi triển khai (năm 2014) tính đến ngày 31/7/2020, Cơ chế một cửa quốc gia có 200 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 3,2 triệu hồ sơ của khoảng 40.000 doanh nghiệp.
Đối với thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines.
Như vậy, từ đầu năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành kết nối ASW với 5 nước: Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines. Ngoài tổ chức kết nối thủ tục mới và vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan đang tích cực hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua NSW trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg.