Bổ sung chế tài đối với bộ trưởng không thực hiện lời hứa

Trong khi luật được giám sát thực hiện thì công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết (NQ) về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội (QH) lại rất mờ nhạt. Do vậy, có ý kiến đặt câu hỏi về giá trị của các NQ. Trao đổi với báo chí ngày 12/11, ĐB Võ Thị Dung (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nên bổ sung chế tài quy định về trách nhiệm với những "tư lệnh" không hoàn thành nhiệm vụ.
ĐB Võ Thị Dung (Đoàn TP Hồ Chí Minh)
ĐB Võ Thị Dung (Đoàn TP Hồ Chí Minh)
- Sau mỗi kỳ chất vấn, QH thường ban hành NQ về chất vấn và trả lời chất vấn. Là ĐBQH, bà có đánh giá như thế nào về việc thực hiện NQ của các vị "tư lệnh" ngành (đã hứa khi đăng đàn)?
- Việc thực hiện NQ về chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành chưa rõ nét vì thời gian ngắn. Nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô nhưng vướng mắc có nguyên nhân sâu xa về thể chế hiện hành; việc phân công, phân nhiệm của các bộ, ngành… Tôi thấy rằng, việc thực hiện lời hứa, có bộ, ngành quan tâm thực hiện, nhưng chuyển biến chưa nhiều. Đó là các vấn đề: ATGT, nông nghiệp, quản lý thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, công nghiệp hỗ trợ... 
Ngay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các bộ cũng đổ lỗi cho nhau, Bộ Công thương thì nói chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm trên thị trường, Bộ Y tế nói chỉ chịu trách nhiệm trên bữa ăn, rồi Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về phân bón... Nhưng rõ ràng sự phối hợp của các bộ, ngành trong công tác phối hợp thực hiện NQ về chất vấn và trả lời chất vấn là chưa có chuyển biến mạnh mẽ.
- Nhưng cử tri lại rất quan tâm đến việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn?
- Một số bộ trưởng có trách nhiệm nhưng chuyển biến chậm. Vậy tại sao? Tôi cho rằng đó chính là do điều hành phối hợp để thực hiện NQ hạn chế. Thứ hai là trong kỳ họp thì thấy không khí rất sôi nổi nhưng sau khi ra khỏi kỳ họp thì mọi việc rất chậm, không thỏa được mong muốn của cử tri, của ĐBQH và tinh thần NQ của QH. 
Tôi thấy các bộ trưởng khi hứa tại QH rất tâm huyết, nhưng sau đó lại thấy như "lực bất tòng tâm". Cái đó phải chăng là do từ cơ chế? Là thiếu cơ chế phối hợp, cơ chế điều hành chưa tập trung vào những vấn đề trọng tâm, đặc biệt là những vấn đề thiết thân của nhân dân, của cử tri. Cụ thể, kỳ họp nào cũng nêu lên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề tội phạm, vấn đề ATGT, vấn đề được mùa mất giá, được giá mất mùa, vấn đề nhũng nhiễu, tham nhũng trong bộ máy công quyền, yếu kém trong bộ máy, bộ máy cồng kềnh… Nhưng đến nay đã trôi qua gần hết nhiệm kỳ QH rồi mà chuyển biến vẫn chưa mạnh…
- Vậy có biện pháp gì để giám sát việc thực hiện các lời hứa, thưa bà?
- Tôi cho rằng là do NQ không có chế tài quy định việc giám sát thực hiện các nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành đã hứa trước QH. Lẽ ra chúng ta phải thực hiện việc giám sát này qua từng năm chứ không phải để gần hết nhiệm kỳ mới đặt ra. Bây giờ cuối nhiệm kỳ, nếu đánh giá các "tư lệnh" không hoàn thành nhiệm vụ giờ có kỷ luật thì cũng không có nhiều giá trị.

Đọc thêm