Bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản: Nâng cao tỷ lệ thi hành án dân sự

(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự sáng 10/1.
Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình tại phiên họp.
Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình tại phiên họp.

Bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản

Điều 10 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” (điểm b khoản 1 Điều 55) trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2 Điều 55, khoản 2 Điều 57).

Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, dự thảo Luật quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản. Cụ thể, trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản. Dự thảo Luật còn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản.

Phát biểu tại phiên họp, qua theo dõi của bản thân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ tán thành với Ban soạn thảo đã chọn vấn đề nêu trên để đề xuất sửa đổi.

Theo đại biểu, đây có thể nói là một trong những vấn đề ách tắc nhất của Luật Thi hành án dân sự hiện nay. Bởi nhiều vụ án, nhất là các đại án tham nhũng kinh tế hay án liên quan đến tín dụng ngân hàng, tài sản phải thu hồi rất lớn và nhiều trường hợp không chỉ nằm ở một tỉnh mà trải dài ở nhiều tỉnh khác nhau.

“Tôi lấy ví dụ như vụ Hứa Thị Phấn gồm 393 bất động sản và 2 động sản nằm ở 2 tỉnh hay là vụ Huỳnh Thị Huyền Như gồm có 24 bất động sản và 4 động sản nằm ở 5 tỉnh. Chính vì vậy, quy định hiện nay phải xử lý tuần tự, tức là sau khi tỉnh thứ nhất xử lý xong tất cả các tài sản thì mới được ủy thác cho tỉnh thứ hai và tỉnh thứ hai xử lý xong tất cả các tài sản thì mới được ủy thác cho tỉnh thứ ba, như vậy là phải tiến hành tuần tự chứ không được đồng thời thi hành án”, đại biểu Thủy dẫn chứng.

Theo đại biểu, với cách tiến hành tuần tự hiện nay có 3 hệ lụy. Hệ lụy thứ nhất là dẫn tới thời gian thi hành một bản án kéo rất dài. “Tham khảo ý kiến của các anh em trong ngành thi hành án dân sự, họ cho rằng với cách tuần tự như hiện nay có những bản án thi hành án 10 năm cũng chưa xong, bởi vì chỉ cần một tài sản bị tắc, vướng là không thể ủy thác cho các tỉnh tiếp theo”, đại biểu Thủy cho hay.

Hệ lụy thứ hai là dẫn tới gây thiệt hại trực tiếp cho nhà nước, người dân, doanh nghiệp được thi hành án bởi có những bất động sản nếu để lâu còn có thể giữ nguyên được giá trị, nhưng đối với những động sản, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất mà để lâu, đắp chiếu nhiều năm thì chắc chắn sẽ dẫn đến giảm giá và mất giá trị rất lớn. “Trên thực tế có những tài sản sau 10 lần, thậm chí 20 lần giảm giá cũng không thể bán được”, đại biểu cho biết.

Hệ lụy thứ ba, rất quan trọng, là ảnh hưởng trực tiếp đến người có nghĩa vụ thi hành án. “Trong trường hợp người có nghĩa vụ thi hành án này là phạm nhân thì một trong những điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, đó là phải thi hành xong phần nghĩa vụ về tài sản trong bản án. Nếu như trong trường hợp họ chưa thi hành xong việc này thì họ không được xem xét. Trong trường hợp này có nhiều người họ rất tích cực, hợp tác. Lỗi không phải do họ mà do bất cập của luật nhưng trực tiếp ảnh hưởng đến việc họ không được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn thi hành án dân sự

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cơ bản nhất trí việc xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn thi hành án dân sự, nâng cao tỷ lệ thi hành án dân sự đối với các trường hợp có điều kiện thi hành án.

Bên cạnh đó, tôi đề nghị xem xét, cân nhắc bên cạnh cơ chế ủy thác thi hành án hiện hành, dự thảo luật bổ sung thêm cơ chế ủy thác, xử lý tài sản để bảo đảm chặt chẽ và thuận tiện, thống nhất trong thực tiễn áp dụng.

“Tôi đề nghị dự thảo luật cần xem xét quy định nguyên tắc xác định trường hợp nào cơ quan thi hành án dân sự ủy thác thi hành án, trường hợp nào cơ quan thi hành án dân sự ủy thác xử lý tài sản. Bên cạnh đó, đối với ủy thác xử lý tài sản tại khoản 2 Điều 55 dự thảo luật cũng cần xem xét quy định nguyên tắc xác định trường hợp nào cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn xong mới ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản. Trường hợp nào cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời ủy thác xử lý tài sản, không nên quy định có thể”, đại biểu nói.

Vấn đề thứ 2 được đại biểu đề cập là điểm d khoản 2 Điều 57 dự thảo luật quy định trường hợp xác định kết quả thẩm định bán đấu giá tài sản đủ để thanh toán nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí liên quan hoặc có quyết định hoãn tạm đình chỉ thi hành án thì thông báo ngay cho cơ quan nhận ủy thác để tạm dừng việc xử lý tài sản.

Theo đại biểu, trong Luật Thi hành án dân sự hiện hành có quy định việc hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, đình chỉ thi hành án, Điều 48, 49, 50. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần xem xét, làm rõ khái niệm, trình tự, thủ tục, trách nhiệm, hệ quả pháp lý của quy định tạm dừng việc xử lý tài sản, bên cạnh đó, trường hợp không còn cơ sở để tạm dừng việc xử lý tài sản thì việc tiếp tục xử lý tài sản phải thi hành án như thế nào dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ chế hiện hành, chúng ta ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản, tức là làm tuần tự.

“Trong một số trường hợp, ví dụ như một tỉnh chủ trì thi hành án nhưng tài sản ở nhiều tỉnh khác nhau thì chúng ta phải làm xong chỗ này mới sang chỗ khác, như vậy nó rất khó để xử lý”, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ ra.

Nhắc lại nhận định của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Bộ trưởng Tư pháp cho hay, trong vụ án thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế, chúng ta cho cơ chế là cùng một lúc làm.

“Còn cái khác của ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản ở chỗ ủy thác thi hành án là cơ quan ra quyết định thi hành án chịu trách nhiệm đến cùng, còn ủy thác xử lý tài sản thì không phải ra quyết định thi hành án nữa mà cơ quan này làm phần này, xong nộp về cho cơ quan chủ trì”, Bộ trưởng Lê Thành Long phân tích.

Đọc thêm