Bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Trọng tài thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo các chuyên gia, việc bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Trọng tài thương mại là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, cũng như giảm nhẹ sự “quá tải” của Toà án và UBND các cấp.
Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Trọng tài thương mại. (Ảnh minh họa: ITN)
Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Trọng tài thương mại. (Ảnh minh họa: ITN)

Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực thi hành. So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Đáng lưu ý, tại khoản 5, khoản 6 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có nêu:

“5. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.

6. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai khi được Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai”.

Bên cạnh đó, tại Điều 28 Luật Đất đai 2024 về nhận quyền sử dụng đất quy định, tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được nhận quyền sử dụng đất, theo quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam.

Tại Điều 137 cũng quy định: “Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của tòa án, quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam…”.

Như vậy, theo quy định trên, ngoài Tòa án và UBND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như tại quy định cũ theo Điều 203 Luật Đất đai 2013 thì tại Điều 236 Luật Đất đai 2024 đã bổ sung cơ quan “Trọng tài thương mại Việt Nam” giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai.

Đồng thời, UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai khi được Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai.

Nhận định về quy định mới này, Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng cho biết: Việc giải quyết các tranh chấp liên quan bất động sản, bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật, thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam, không thuộc thẩm quyền của trọng tài.

“Luật Đất đai năm 2024 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài đối với các tranh chấp liên quan bất động sản tại Việt Nam. Đây là quy định mang tính đột phá để phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng như phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, cũng như giảm nhẹ sự “quá tải” của Tòa án và UBND các cấp” - Luật sư Hiếu nhấn mạnh.

Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng. (Ảnh: Gia Hải)

Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng. (Ảnh: Gia Hải)

Luật sư Nguyễn Thị Trang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: Theo luật định, việc giải quyết tại Tòa án thường qua 2 cấp xét xử, xét xử lần đầu ở cấp sơ thẩm và được tiếp tục được xét xử ở cấp phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị. Còn nếu không, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và được thi hành sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Với việc giải quyết qua trọng tài, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, tức là chỉ có 1 cấp xét xử. Phán quyết của trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Như vậy, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai cho trọng tài thương mại sẽ rút ngắn thời gian giải quyết các tranh chấp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho những người liên quan.

Cùng quan điểm trên, Luật gia Vi Công Sang (Hội Luật gia Hà Nội) cho hay: Việc dự thảo bổ sung trọng tài là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai là phù hợp thực tiễn và thật sự cần thiết.

Tuy nhiên, để pháp luật được đồng bộ và không bị chồng chéo, cần sửa đổi Điều 470 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (hiện Bộ luật này đang quy định các loại thẩm quyền riêng biệt của Tòa án). Đồng thời, cần quy định lại về các trình tự, thủ tục tố tụng có các điều khoản liên quan.

Đọc thêm