Chiều 12/1, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức họp thông báo kết quả Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban Nguyễn Thái Học.
Tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông báo những kết quả Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Theo đó, sáng 12/1, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo đã thành công tốt đẹp.
Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với 3 nội dung: Kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2022; chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; Kết quả chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 đến nay; Kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Về một số kết quả quan trọng Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo, năm 2022, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, nhất là gắn PCTNTC với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức theo quy định của Đảng, Nhà nước, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2022.
Nổi bật là, chỉ đạo đẩy mạnh, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp, tạo bước tiến mới trong đấu tranh PCTNTC được nhân dân, dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…
Trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án...
Thời gian tới, để công tác PCTNTC phát huy hiệu quả, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng và Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh TNTC, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội. Chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh là (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC…
Cũng tại Phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 9 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Ban Nội chính Trung ương trao thưởng đối với các cơ quan báo chí có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC năm 2022. |
Tại cuộc họp chiều 12/1, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đã trả lời các câu hỏi của phóng viên xoay quanh nội dung Phiên họp, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Về kết quả xử lý đối với vụ án AIC, Vạn Thịnh Phát, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, phương hướng của Ban Chỉ đạo năm 2023 sẽ tập trung xử lý dứt điểm 10 vụ án lớn, trong đó có 2 vụ án này. Ngoài việc xét xử các sai phạm của AIC ở Đồng Nai, theo ông Học, các hành vi sai phạm của AIC diễn ra ở địa phương, bộ, ngành nào thì các cơ quan chức năng đang tập trung để xác minh làm rõ, xử lý. Đối tượng đầu vụ bỏ trốn cũng sẽ tiếp tục xử lý đối tượng này trong giai đoạn thi hành án.
Đối với vụ án Vạn Thịnh Phát, thông qua những hành vi đưa - nhận hối lộ lớn như thời gian qua thì việc làm rõ vụ việc này chính là bước tiến trong công tác PCTNTC của các cơ quan chức năng. Qua đây, chúng ta cũng rút ra nhiều bài học, trong đó có bài học về công tác cán bộ, về bố trí, sắp xếp cán bộ, về tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống nghiêm trọng, về việc có tổ chức đảng, thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng để tội phạm diễn ra trong một thời gian dài mà không ai kiểm tra, giám sát.
Cũng theo ông Học, năm 2023, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo chuyên đề đối với những lĩnh vực dễ phát sinh TNTC, mang tính chuyên sâu, khép kín, đây là định hướng chung cho Ban Chỉ đạo cả Trung ương và địa phương. Cùng với chỉ đạo kiểm tra chuyên đề của Ban Chỉ đạo, còn có hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tiếp tục lưu ý đối tượng chuyên sâu, khép kín, dễ xảy ra TNTC.
Liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, ông Học nhấn mạnh, chúng ta phải nhận diện cho đúng tình trạng đùn đẩy, né tránh có nguyên nhân từ đâu.Nếu do cơ chế, pháp luật không rõ ràng thì phải sửa đổi, bổ sung các quy định để cán bộ, đảng viên không còn e ngại. Nhưng nếu do chủ quan, năng lực hạn chế thì chúng ta phải chấn chỉnh bởi đây là biểu hiện của tiêu cực phải xử lý…
Nhân dịp này, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức trao thưởng đối với các cơ quan báo chí có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC năm 2022.