Bộ Tài chính: Cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những đề xuất đầu tiên là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở nước ta vẫn giữ mức cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Vẫn còn 42,3% nam giới hút thuốc (số liệu năm 2020).

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá, giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%. Trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước là 50 - 80% như Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Pháp 80%...

Các chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá cũng thông tin, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam quá thấp và mức tăng thuế và giá trong những năm qua chậm hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát, khiến cho thuốc lá ngày càng trở nên rẻ hơn và dễ mua hơn. Cần tăng mạnh thuế thuốc lá và chuyển đổi sang hệ thống thuế hỗn hợp để giảm sức mua thuốc lá, giảm sử dụng thuốc lá và giảm gánh nặng kinh tế và sức khỏe do thuốc lá.

WHO và WB khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm 66 - 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá.

Cũng theo WHO, biện pháp thuế đặc biệt sẽ có hiệu quả với nhóm thanh, thiếu niên, WHO ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi (tác động mạnh hơn so với nhóm người trưởng thành). Tăng giá thuốc lá thông qua thuế thuốc lá có thể bảo vệ sức khoẻ trẻ vị thành niên và thanh, thiếu niên khỏi các nguy cơ tử vong và bệnh tật do sử dụng thuốc lá thông qua thúc đẩy bỏ thuốc, ngăn chặn hút mới, giảm số điếu hút…

Tương tự, việc sử dụng bia, rượu ở nước ta vẫn ở mức cao và xu hướng tăng nhanh. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần năm 2015. Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự... Rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49.

Hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của WHO, con số này mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm 40 - 85%.

Trước bối cảnh này, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với 2 mặt hàng này. Việc Bộ Tài chính lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia) nhằm hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng là cần thiết; từ đó đảm bảo an toàn xã hội, tăng cường công tác quản lý của Nhà nước.

Bộ Tài chính cho rằng dù đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2019, nhưng tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Do vậy, việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn và lộ trình tăng thuế này trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bên cạnh đó, cơ quan này đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường với mức thuế suất phù hợp để góp phần định hướng tiêu dùng. Tình hình tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 50,7 lít/người năm 2018. Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn ngày càng gia tăng, năm 2020, sản lượng đồ uống và nước ngọt có gas tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.

Đọc thêm