Nhận diện “điểm nghẽn”
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức mong muốn các chuyên gia kinh tế, quy hoạch đóng góp ý tưởng, hiến kế các giải pháp để tăng trưởng kinh tế; các DN cùng chung tay tháo gỡ vướng mắc, tập trung sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế; các địa phương đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại đang gặp phải.
Theo báo cáo, năm 2024, Đồng Nai đạt được nhiều kết quả tốt, tăng trưởng kinh tế 8,02%, GRDP đạt hơn 260.000 tỷ đồng... Bên cạnh đó vẫn còn 12 “điểm nghẽn” có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như giải ngân đầu tư công thấp, quy hoạch xây dựng chưa được phê duyệt, các khu công nghiệp (KCN) chưa phát huy hết được thế mạnh tăng trưởng, sự năng động của các chính quyền và cán bộ, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính... làm ảnh hưởng quá trình phát triển.
Hội thảo đưa ra 9 giải pháp ưu tiên nhằm giúp Đồng Nai tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tăng trưởng kinh tế. Các sở, ngành, địa phương tập trung công tác lập quy hoạch xây dựng các đô thị như Biên Hòa, Nhơn Trạch... nhất là Đô thị sân bay Long Thành. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án lớn, trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3, 4, sân bay Long Thành.
Đối với chính sách tài chính, tiền tệ, thu - chi ngân sách: Lãnh đạo tỉnh làm việc với Ngân hàng Nhà nước để ổn định, hạ lãi suất cho vay, tập trung triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, cơ cấu nợ xấu. Ngay trong 2025, Đồng Nai phải mở rộng thu, chống thất thu thuế, chuyển đổi số, khuyến khích thanh toán không tiền mặt và bắt buộc về hóa đơn điện tử với các ngành, lĩnh vực…
Tập trung giải ngân đầu tư công; xác định tiến độ theo từng tuần. Cán bộ yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, sợ trách nhiệm, phải bị thay thế. Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Phát triển Đồng Nai gắn với “tứ giác kinh tế”
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia đều xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai đạt 10% năm 2025 và dài hạn trong giai đoạn 2026 - 2030 là khả quan. Để đạt được kết quả như trên, Đồng Nai cần gắn liền với sự phát triển của “tứ giác kinh tế” (Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - Bình Dương - TP HCM), nhất là quy hoạch đô thị sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị...
![]() |
Hội thảo đưa ra 9 giải pháp ưu tiên nhằm giúp Đồng Nai tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tăng trưởng kinh tế. (Ảnh trong bài: Tiến Dũng) |
TS Trần Du Lịch cho rằng thách thức lớn nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai là tình hình kinh tế thế giới đang biến động rất lớn, nguy cơ chiến tranh thương mại.
“Việc đưa ra các giải pháp tăng trưởng hai con số cho năm 2025 là cần thiết nhưng giải pháp có ý nghĩa lớn hơn, tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn 2026 - 2030. Đồng Nai nên lấy động lực phát triển công nghiệp làm nền tảng, dựa trên yếu tố trên địa bàn tỉnh có 34 và dự kiến là 44 KCN.
Ông Trần Du Lịch cho rằng căn cơ là triển khai, ưu tiên quy hoạch Đồng Nai và quy hoạch vùng. Đồng Nai cần đề xuất, thực hiện tuyến đường sắt đô thị Trảng Bom - Suối Tiên (kết nối Suối Tiên - Bến Thành). Việc xây dựng cầu Cát Lái là cấp thiết, Đồng Nai phải quyết liệt để phát triển đô thị Nhơn Trạch.
“Đồng Nai phải xác định việc phát triển của tỉnh gắn liền với phát triển của cả vùng. Không thể mạnh tỉnh nào tỉnh đó phát triển. Mỗi tỉnh, thành một cơ chế phát triển riêng. Đồng Nai cần đề xuất chính sách đặc thù như TP HCM. Địa phương quyết, làm và chịu trách nhiệm thì mới có đủ dư địa thẩm quyền phát triển”, TS Lịch nói.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng Đồng Nai muốn phát triển kinh tế hai con số không thể tự lực, mà còn phụ thuộc vào “tứ giác kinh tế”. “Dùng thế mạnh của mình để hỗ trợ cho tỉnh bạn và nhìn xem tỉnh bạn có thế mạnh gì để hỗ trợ cho mình. Phải có tầm nhìn vùng”, ông Sơn nói.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương thì cho rằng, để Đồng Nai tăng trưởng kinh tế hai con số xuyên suốt 10 năm cần hội tụ nhiều điều kiện. Trong đó, quan trọng nhất là quy hoạch chiến lược, hạ tầng giao thông và đô thị sân bay Long Thành. “Về quy hoạch, phải làm sao đưa Đồng Nai phát triển bền vững hài hòa và tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân”, ông Chương nói.
GS Võ Xuân Vinh: “Chuyển đổi số là ưu tiên chiến lược”
Một tham luận đáng chú ý tại Hội thảo, là của GS. TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (ĐH Kinh tế TP HCM).
![]() |
Theo GS.TS Vinh, trong ngắn hạn, Đồng Nai cần hoàn thiện khung pháp lý, loại bỏ các rào cản thể chế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế số và thu hút đầu tư. Chính sách cần linh hoạt, bám sát biến động thị trường và xu hướng công nghệ. Tỉnh cũng cần thúc đẩy thu hút nguồn vốn từ FDI, ngân sách nhà nước và khu vực tư nhân nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng và mở rộng các KCN chiến lược. Xây dựng chiến lược thu hút FDI gắn với định hướng công nghệ cao và công nghiệp xanh, tránh phụ thuộc vào mô hình sản xuất thâm dụng lao động.
“Đồng Nai cần nới lỏng cơ chế sử dụng nguồn thu ngân sách vượt kế hoạch để đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông, KCN hiện đại và các dự án chuyển đổi xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN địa phương”, GS.TS Vinh nói.
![]() |
GS. TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (ĐH Kinh tế TP HCM) |
Trong dài hạn, theo GS.TS Vinh, tỉnh cần ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên kết vùng và bền vững. Phát triển hạ tầng xã hội với trọng tâm đầu tư vào y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch nhằm nâng cao chất lượng sống và thu hút nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh mô hình đô thị thông minh, xây dựng các trung tâm giáo dục - đào tạo đạt chuẩn quốc tế phục vụ chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn.
Đặc biệt, Đồng Nai cần xem việc chuyển đổi số là ưu tiên chiến lược trong quản lý nhà nước, sản xuất và đời sống kinh tế - xã hội. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh sẽ nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chuỗi giá trị và tạo ra đột phá trong mô hình tăng trưởng. Tăng cường việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện các chương trình liên kết đào tạo.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn, tiếp thu những ý kiến để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế hai con số đã đề ra. Năm 2025, Đồng Nai đặt ra 33 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tiếp thu ý kiến, triển khai các biện pháp, giải pháp, rà soát bổ sung các giải pháp đột phát, thường xuyên triển khai các ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc để đạt mục tiêu đặt ra.