Ngày 16/6/2022, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II. Trong buổi họp báo, vấn đề giá và nguồn cung xăng dầu được đông đảo phóng viên quan tâm.
Trong đó, việc Bộ Tài chính đề xuất “bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG)” (được xem như bỏ Quỹ BOG xăng dầu) trở nên nóng hơn hết.
Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay chỉ tồn tại Quỹ BOG xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ Quỹ BOG để giá xăng dầu được theo hoàn toàn cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ cần tiếp tục nghiên cứu và sẽ có góp ý về vấn đề này. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, trong thời gian qua Quỹ BOG xăng dầu đã hỗ trợ nhiều để giá xăng dầu trong nước không tăng sốc theo giá của thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ví Quỹ BOG xăng dầu như một hồ điều hòa, “để tích và xả khi cần thiết”. Việt Nam có lạm phát kỳ vọng do tâm lý người dân. Nếu mỗi dịp Tết mà giá xăng dầu tăng thì sẽ tác động lớn đến giá cả hàng hóa, gây tâm lý không tốt cho người dân. Nếu không có quỹ, giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng theo nhưng khi có quỹ thì mức tăng sẽ được giảm thấp hơn với mức tăng thế giới.
“Quỹ BOG xăng dầu như quỹ tiết kiệm để dùng khi “đói”. Tuy nhiên, Quỹ âm thì không thể lạm dụng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh. Nếu bỏ thì có thể sẽ có những kỳ tăng sốc, thì thị trường trong nước sẽ như thế nào”? - ông Hải nói.
Đồng thời ông Hải chia sẻ: “Nếu bỏ Quỹ BOG đi thì có biện pháp nào bù không vì mục đích cuối cùng là đảm bảo hạn chế mức tăng giá gây tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp”.
Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu, ông Hải khẳng định, tất cả Bộ, ngành, Chính phủ đều đang quyết liệt để kìm đà tăng của giá xăng dầu; Nếu tất cả các biện pháp liên quan đến thuế phí không tác động được đáng kể thì sẽ dùng đến biện pháp thứ 3, “tức là giảm tác động của việc tăng giá xăng dầu” - ông Hải nói.