Tuy nhiên, vốn ngân sách nhà nước bố trí cho quản lý và bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu. Điều này khiến chất lượng đường xuống cấp nhanh do không được bảo dưỡng, sửa chữa đầy đủ.
Việt Nam hiện có 16 tuyến cao tốc với chiều dài 968,7 km, mới đạt khoảng 15% so với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc 21 tuyến dài 6.411 km. Xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn, cụ thể suất đầu tư mỗi km cao tốc 4 làn khoảng 130 tỷ đồng và 6 làn khoảng 190 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, thực trạng này là một trong những nguyên nhân cần thiết cho sự ra đời của Nghị quyết về phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Bộ này đang nghiêng về phương án bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào danh mục giá dịch vụ do Nhà nước định giá, thay vì phương án bổ sung khoản thu này vào phí sử dụng đường bộ. Quy định mới có thể giúp huy động kịp thời nguồn lực từ người sử dụng để đầu tư xây mới và bảo trì các tuyến đường.
"Trường hợp không tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc", tờ trình của Bộ Tài chính gửi Chính phủ nêu. Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng cao, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, giảm vận tốc lưu thông, hiệu quả khai thác đường cao tốc...
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lo ngại việc thu phí dẫn đến phản ứng tiêu cực từ người dân cho rằng phí chồng phí. Bởi nhà nước đang thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện để bảo trì hệ thống đường bộ, còn doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường bộ cũng thu phí theo cơ chế giá để hoàn vốn đầu tư.