Bộ Tài chính trình thời hạn “chốt” việc bán vốn tại Habeco và Sabeco

(PLO) -Theo kiến nghị của Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, tiền bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco sẽ phải chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trước ngày 01/12/2017. 
Bộ Tài chính trình thời hạn “chốt” việc bán vốn tại Habeco và Sabeco

Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại 2 DN này sang SCIC...

 Thông tin đưa ra tại buổi họp báo về tình hình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn 9 tháng đầu năm 2017 do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 27.9.

Đánh giá về công tác này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các DNNN tập trung thực hiện đẩy mạnh CPH, cơ cấu lại DNNN song bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện CPH, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, đã có 34 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 11/44 DN thuộc Danh mục DNNN hoàn thành CPH năm 2017. Tổng giá trị thực tế của 34 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 80.636  tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng.

 Lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng (gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 09 tháng đầu năm 2017), bao gồm: Thoái vốn tại 05 lĩnh vực nhạy cảm được 105 tỷ đồng, thu về 105 tỷ đồng;Thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm) được 2.210 tỷ đồng, thu về 3.463 tỷ đồng; Đặc biệt, tại SCIC, „siêu” tổng công ty này đã bán vốn tại 28 DN với giá trị là 1.522 tỷ đồng, thu về 12.428 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng).

Một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là tình hình DN đã CPH nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Ông Tiến cho biết, sau khi báo cáo và có ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về danh sách 730 DN đã CPH chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK , Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 DN CPH chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK trên trang thông tin điện tử của Bộ hôm 15/8 vừa qua. 

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra một tồn tại nữa là việc bàn giao các DN đã CPH về SCIC còn chậm. Đến nay mới có 46 DN các Bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao nhưng chưa chuyển giao và 176 DN chưa thống nhất chuyển giao về SCIC.

Liên quan đến việc bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đại diện Cục Tài chính DN cho biết, Cục đã trình Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại 2 DN này đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trước ngày 01/12/2017. Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước.  „Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước được Chính phủ giao...”- ông  Đặng Quyết Tiến phát biểu

Liên quan đến định giá tài sản và CPH Hãng Phim truyện Việt Nam, trả lời câu hỏi của báo chí, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến cho biết, việc định giá đất thuê 0 đồng với điều kiện đất đó nằm trong quy hoạch, phương án sử dụng đất  gắn với quy hoạch, trả tiền thuê đất hàng năm. Ví dụ  trường hợp DN đang nằm trong đất quy hoạch, sang năm họ di dời. Hay trưởng hợp DN dinh doanh logictic tại TP HCM, mảnh đất DN thuê nằm trong quy hoạch công viên, họ vẫn thuê trả tiền hàng năm… 

“Về vấn đề đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam, Thủ tướng đang giao cho Thanh tra Chính phủ, đúng hay sai có cơ quan pháp luật làm rồi. Bộ Tài chính chỉ ban hành cơ chế chinh sách, còn vận hành thực hiện như thế nào, sẽ có kết luận thanh tra…”- ông Tiến nói. 

Đọc thêm