Bỏ thi thăng hạng để giảm áp lực cho viên chức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều tối 9/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn. Nhiều vấn đề “nóng” dư luận quan tâm đã được đại diện các bộ giải đáp như vấn đề thi nâng hạng, vụ án Việt Á...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại họp báo, liên quan đến việc Chính phủ đồng ý nguyên tắc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nhấn mạnh, việc thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998. Phân tích một số vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thi, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đã tiến hành đánh giá tác động theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. “Chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Kết quả đến nay có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức”, ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.

Theo Người phát ngôn Bộ Nội vụ, nếu bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trên, giảm áp lực cho đội ngũ viên chức. Nếu tổ chức xét thăng hạng sẽ đánh giá được đúng người, đúng việc và trình độ nhân lực. Bộ Nội vụ đang đề xuất hướng xét thăng hạng, qua đó cũng giảm thủ tục hành chính trong việc tiến hành bổ nhiệm vào ngạch.

Nói thêm về việc này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, thi hay xét thăng hạng đều với mục đích để đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ căn cứ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. “Thi thì phải ôn, chuẩn bị nội dung, kiến thức. Việc này có thể khiến giáo viên đang công tác phải dành nhiều thời gian ôn thi, chi phí tốn kém trong quá trình tham gia”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói, đồng thời cho rằng việc xét thăng hạng có yếu tố tích cực hơn. Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp một cách minh bạch, công bằng, chính xác sẽ tạo động lực tốt hơn cho giáo viên trong cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp của mình.

“Trọng chứng hơn trọng lời khai”

Tại họp báo, báo chí nêu vấn đề, đầu tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết, Công ty Việt Á lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ đồng để “bôi trơn”, nhưng trong kết luận điều tra lại xác định số tiền công ty này hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi hối lộ là hơn 106 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi đề nghị giải thích về sự chênh lệch giữa những con số nêu trên, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt và các bị can có liên quan khai là Công ty có doanh thu và lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng; Phan Quốc Việt đã sử dụng khoảng 20 - 25% số tiền này (tương ứng với khoảng 800 tỷ đồng) để chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, đối tác mua kít xét nghiệm và các vật tư thiết bị, vật phẩm y tế khác.

Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh, đây là lời khai ban đầu của các bị can. Tuy nhiên, khi có kết luận điều tra thì con số có chênh lệch. Giải thích điều này, Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ: “Không thể dùng lời khai ban đầu của các đối tượng để làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra”, phải “trọng chứng hơn trọng lời khai”. Chỉ khi nào có đủ căn cứ chứng minh việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền mới có thể khởi tố điều tra, kết luận và đề nghị truy tố. Chứng cứ rõ đến đâu thì kết luận đến đó”.

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm, ngoài việc giao Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) tiến hành, Bộ Công an cũng đã ủy thác cho Công an 61 tỉnh, TP điều tra các vấn đề liên quan đến vụ Việt Á. Đến nay, một số tỉnh, TP vẫn đang trong quá trình điều tra để làm rõ số tiền thu lợi bất chính và tiền “bôi trơn” trong vụ án này.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết, Bộ Công an đã đề nghị truy tố 38 bị can về 6 tội danh. Việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố các bị can về các tội danh trên đã được Bộ Công an tiến hành một cách khoa học, thận trọng, khách quan, toàn diện, triệt để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quán triệt và thực hiện chủ trương là nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo. Có sự phân hóa rõ đối với từng bị can, từng hành vi tội phạm một cách thấu đáo, phân tích, đánh giá toàn diện, xác định rõ tình tiết nào tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm, tình tiết nào khoan hồng, trên nguyên tắc không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Đọc thêm