Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030: Đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Y tế vừa có Quyết định 1300/QĐ-BYT ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030. Mục đích chính của Bộ tiêu chí là tạo ra các tiêu chí để đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nhân dân ở từng vùng, miền.
Siêu âm cho người dân tại Trạm Y tế xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Đức Giang)
Siêu âm cho người dân tại Trạm Y tế xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Đức Giang)

8 chức năng, nhiệm vụ chính của trạm y tế xã

Theo đó, Bộ tiêu chí đã quy định rõ tiêu chí phân vùng các xã; chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế (TYT); Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 và hướng dẫn chấm điểm; hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Về tiêu chí phân vùng các xã, các xã sẽ được phân chia thành 3 vùng cụ thể như sau: Vùng 1 là xã đồng bằng, trung du có khoảng cách từ TYT đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa (PKĐK) khu vực gần nhất <3 km, nếu TYT xã lồng ghép với PKĐK khu vực thì tính khoảng cách từ TYT xã tới bệnh viện, trung tâm y tế gần nhất; phường, thị trấn khu vực đô thị; các xã có điều kiện địa lý, giao thông thuận lợi, người dân dễ dàng tiếp cận đến TYT xã và bệnh viện, trung tâm y tế, PKĐK.

Vùng 2 là các xã miền múi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có khoảng cách từ TYT đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc PKĐK khu vực gần nhất <5 km (nếu có địa hình đặc biệt khó khăn thì < 3km); xã đồng bằng, trung du có khoảng cách từ TYT đến bệnh viện, trung tâm y tế, PKĐK từ 3 đến < 15km; các xã có điều kiện địa lý, giao thông bình thường, người dân có thể tiếp cận đến TYT xã, bệnh viện, trung tâm y tế, PKĐK.

Vùng 3 là xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có khoảng cách từ TYT đến bệnh viện, trung tâm y tế, PKĐK khu vực gần nhất từ 5km trở lên (nếu có địa hình đặc biệt khó khăn thì từ 3km trở lên); xã đồng bằng, trung du có khoảng cách từ TYT đến bệnh viện, trung tâm y tế, PKĐK từ 15km trở lên; các xã có điều kiện địa lý, giao thông khó khăn, người dân khó tiếp cận đến TYT xã và khó đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc PKĐK khu vực.

Về chức năng, nhiệm vụ của TYT xã, Bộ tiêu chí đã nêu rõ 8 chức năng, nhiệm vụ của TYT bao gồm: thường trực Ban CSSK cấp xã, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai kế hoạch sau khi được phê duyệt; tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và quản lý, hướng dẫn kiểm tra y tế thôn bản, cộng tác viện y tế; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác dân số-KHHGĐ, cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo phân tuyến kỹ thuật; tham gia kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập và các yếu tố nguy cơ ảnh hướng đến sức khỏe; quản lý viên chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định; và các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc TTYT tuyến huyện giao và theo yêu cầu của Chủ tịch UBND xã.

Các địa phương có thể cụ thể hóa cho phù hợp

Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2030 sẽ gồm: chỉ đạo, điều hành công tác chăm sóc sức khỏe: 14 điểm; nhân lực y tế: 10 điểm; cơ sở hạ tầng TYT xã: 12 điểm; trang thiết bị, thuốc và phương tiện khác: 9 điểm; y tế dự phòng, Phòng, chống HIV/AID, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm: 19 điểm; khám bệnh, chữa bệnh, phụ hồi chức năng và y học cổ truyền: 12 điểm; chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em: 6 điểm; dân số - kế hoạch hóa gia đình: 11 điểm; truyền thông - giáo dục sức khỏe: 3 điểm; ứng dụng công nghệ thông tin: 4 điểm.

Những chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí này là những yêu cầu cơ bản cần đạt trong giai đoạn đến 2030. Có những trường hợp đã đạt được các tiêu chí trong Bộ tiêu chí này, nhưng chưa đạt được các quy định, tiêu chuẩn trong một số quy định khác do Bộ Y tế và các bộ, ngành ban hành thì vẫn phải tiếp tục phấn đấu để đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn đó. Các tiêu chí đánh giá dựa theo các quy định hiện hành, nhưng khi các quy định đó thay đổi thì tiêu chí đánh giá cũng cần thay đổi theo cho phù hợp.

Các địa phương có thể cụ thể hóa, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể về điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội, mô hình bệnh tật của từng địa phương. Tất cả các điều chỉnh, bổ sung của địa phương cần gửi về Bộ Y tế để tổng hợp; trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế sẽ có văn bản góp ý.

Việc đánh giá thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã được thực hiện hằng năm. Xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế có thời hạn trong vòng 3 năm. Nếu các năm tiếp theo không đạt Bộ tiêu chí thì phải rút danh hiệu đã công nhận. Các xã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu gồm: đạt từ 80% tổng điểm trở lên; số điểm trong mỗi tiêu chí phải đạt từ 50% số điểm của tiêu chí đó trở lên và không bị “điểm liệt” thì sẽ được công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Đọc thêm