Bộ Y tế mới ban hành tài liệu “Hướng dẫn Phát hiện sớm - Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em”.
Theo tài liệu, ước tính mới từ số liệu các cuộc điều tra y tế và gánh nặng bệnh tật toàn cầu, thế giới có hơn 1 tỷ người bị khuyết tật.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1,2 trẻ em khuyết tật độ tuổi 0-17 tuổi (chiếm 3,1% trẻ trong độ tuổi này), trong đó trẻ < 6 tuổi có tỷ lệ khuyết tật (chiếm 1,39% trẻ cùng độ tuổi).
Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em trong điều tra tại cộng đồng là khuyết tật về vận động chiếm 22,4% và khuyết tật về nói chiếm 21,4% tổng số trẻ khuyết tật.
Nguyên nhân chính của tình trạng khuyết tật ở trẻ em là do khuyết tật bẩm sinh (chiếm 55,0%-64,6%) và do bệnh tật (chiếm 23,5%-29,1%).
Về nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ, Bộ Y tế chia thành 3 nhóm: Trước sinh, trong sinh và sau sinh.
Trong đó, nhóm nguyên nhân trước sinh gồm: Bệnh của mẹ khi mang thai (virus, bệnh giáp trạng, ngộ độc thai, tiểu đường, chấn thương...). Tuổi của mẹ trên 35 và bố trên 45 khi sinh con cũng được liệt kê.
Mẹ phơi nhiễm môi trường độc hại khi mang thai như các kim loại nặng, chất độc dùng trong nông nghiệp, thực phẩm, các loại thuốc, các chất khích thích như rượu, ma túy… Dinh dưỡng bà mẹ, nhiễm trùng, bất thường nhiễm sắc thể, gene, chất liệu di truyền thai nhi cũng được xếp vào nhóm nguyên nhân trước sinh.
Với nhóm nguyên nhân trong lúc sinh, việc can thiệp sản khoa (dùng kẹp/ hút lấy thai, mổ đẻ, kích thích đẻ...) được liệt kê đầu tiên. Trẻ đẻ non (dưới 37 tuần), thiếu oxy não (ngạt), cân nặng khi sinh thấp (<2.500g), trẻ bị vàng da nhân não do bất đồng nhóm máu… cũng được cho là các yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị khuyết tật.
Sau sinh, trẻ bị chấn thương sọ não, chảy máu não, nhiễm trùng thần kinh, suy hô hấp, sốt cao co giật, phơi nhiễm các yếu tố môi trường độc hại như hóa chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng có nguy cơ bị khuyết tật.
Nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm, nhiều trẻ sẽ phục hồi tốt và trở thành trẻ bình thường, ví dụ trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường.
Một số trẻ khuyết tật khác có thể phát triển được các kỹ năng gần như trẻ bình thường, như chậm phát triển vận động, ngôn ngữ so với tuổi, bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ.
Một số bệnh nhi nặng cũng được phục hồi, cải thiện kỹ năng và có thể hội nhập xã hội. Ví dụ, trẻ bại não thể co cứng nặng sẽ không bị co rút biến dạng khớp, tuy không đi lại được nhưng ngồi xe lăn vẫn có thể đi học.