Bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ tăng lương tối thiểu từ 1/7

(PLVN) -  Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định như trên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều qua - 5/5. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn Chính phủ chủ trì họp báo.
Hình ảnh tại họp báo.
Hình ảnh tại họp báo.

Phấn đấu có kết luận điều tra vụ Việt Á trong quý II/2023

Tại họp báo, thông tin về tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, các vụ án này đều được Bộ Công an tiến hành điều tra rất tích cực, khẩn trương và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.

Đối với vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô nhắc lại phát biểu từng được ông đưa ra tại họp báo Chính phủ trước đó, theo đó cho biết Bộ Công an dự kiến sẽ có kết luận điều tra trong quý I/2023. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ án, có quá nhiều vụ án đang phải tiến hành nên Bộ Công an đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xin gia hạn để điều tra. “Phấn đấu để có kết luận điều tra vụ Việt Á trong quý II/2023”, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.

Về vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Mường Thanh, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, vụ án này do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội tiến hành. Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, ngày 5/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản về tội Lừa dối khách hàng. “Nhiều người hỏi tại sao khi đó chưa khởi tố nhưng thực tế đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can nhưng không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với ông Lê Thanh Thản, vẫn cho ông này tại ngoại”, ông Tô Ân Xô cho hay.

Đến ngày 6/8/2019 và ngày 21/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội tiếp tục khởi tố bổ sung vụ án, trong đó khởi tố thêm 6 cá nhân khác, bao gồm Nguyễn Duy Uyển, Bùi Văn Bằng (cùng là nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông); Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), ông Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông, phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng), Mai Quang Bài (cán bộ thanh tra xây dựng quận Hà Đông, phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

“Do phức tạp của vụ án phải 5 lần điều tra bổ sung nên kéo dài từ 2019 đến nay. Ngày 14/4/2023, Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng với 7 bị can trên và TAND TP Hà Nội dự kiến sẽ đưa ra xét xử trong tháng 6”, ông Tô Ân Xô thông tin.

Trình Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở trong tháng 5/2023

Tại họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến tăng lương cơ sở vào ngày 1/7/2023 tới. Trả lời về việc bố trí nguồn lực để phục vụ tăng lương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương.

“Tại họp báo cách đây nửa năm, tôi có thông tin là cần 60.000 tỷ đồng để cho 6 tháng cuối năm 2023. Hiện nay, con số chính xác là hơn 59.000 tỷ đồng. Với yêu cầu này, chúng tôi đã bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 là 12.000 tỷ đồng. Còn 47.000 tỷ đồng khác được bố trí từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tiền lương, trong đó ngân sách địa phương khoảng 27.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương khoảng 20.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin và khẳng định, Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho chính sách tăng lương tối thiểu cho 6 tháng cuối năm 2023 và cải cách tiền lương.

Tham gia trả lời liên quan đến tiến trình xây dựng nghị định của Chính phủ về tăng lương cơ sở, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, theo nhiệm vụ được Chính phủ phân công, trong tháng 2/2023, Bộ Nội vụ đã chủ động lấy ý kiến các bộ, ngành và đăng tải trên cổng thông tin để lấy ý kiến nhân dân. Trên cơ sở các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân, trong tháng 4/2023, Bộ Nội vụ đã gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Trước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bộ Tư pháp cũng tổ cuộc họp thẩm định.

“Trên cơ sở thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến của Bộ Tư pháp và sẽ trình Chính phủ trong tháng 5/2023 để từ ngày 1/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng”, ông Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.

Chủ động ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để chuẩn bị cho việc ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ nghiên cứu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thành lập nhóm giúp việc cho tổ nghiên cứu của Chính phủ. Ngày 18/4, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo để bàn về các quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, kinh nghiệm của các nước, dự kiến tác động và kiến nghị với Việt Nam. Qua hội thảo, các tổ chức tư vấn độc lập và của chính các doanh nghiệp FDI chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đều khuyến nghị Việt Nam nên chủ động sớm ban hành các quy định của pháp luật để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu cho các doanh nghiệp đó.

“Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành có liên quan sẽ sớm báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác để chủ động trong ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu để vừa đảm bảo tài chính của Việt Nam, đảm bảo môi trường tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư lớn mang công nghệ tiên tiến, công nghệ cao đến Việt Nam trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Đọc thêm