Theo Nghị quyết số 105/2023/QH15, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách trung ương năm 2024 là 852.682 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 848.305 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.225.582 tỷ đồng, trong đó dự toán 426.266 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2023), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm khoản bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương để bảo đảm mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).
Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…
Bên cạnh đó, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đối với năm 2024 và 2025 trên cơ sở sản lượng xăng dầu sản xuất, bán ra trong nước so với tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường. Cụ thể: 60% thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, 40% còn lại thực hiện điều tiết 100% về ngân sách trung ương.
Chính phủ quy định cụ thể việc thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý. Tiếp tục thu 100% nguồn thu này các năm 2024, 2025 về ngân sách trung ương và thực hiện phân chia tương ứng 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ…
Ngoài ra, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 bảo đảm không thấp hơn năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối ngân sách địa phương. Đối với phần tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 so với dự toán năm 2024 (nếu có), sau khi dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, địa phương thực hiện phân bổ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước...