Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác và định hướng triển khai nhiệm vụ của Cục trong thời gian tới, bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL cho biết, ngay sau khi hợp nhất đơn vị, Cục đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, tập trung mọi nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong các Kế hoạch công tác, các Chương trình, Đề án đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt .
![]() |
Bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL báo cáo kết quả công tác và định hướng triển khai nhiệm vụ của Cục. |
Về định hướng triển khai nhiệm vụ của Cục thời gian tới, bà Hà cho biết, Cục sẽ đổi mới toàn diện các lĩnh vực công tác của Cục trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Phát biểu gợi mở tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhận định: Cục PBGDPL&TGPL đang đảm nhận nhiều mảng nhiệm vụ quan trọng, có tác động, ảnh hưởng đáng kể đến công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Trước tiên là công tác truyền thông chính sách. Bộ trưởng nêu rõ, nhiệm vụ truyền thông chính sách pháp luật trước hết là trách nhiệm của các đơn vị chủ trì soạn thảo.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu gợi mở tại buổi làm việc |
Với trách nhiệm là đơn vị theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, PBGDPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Cục PBGDPL&TGPL cần tham mưu, hướng dẫn các bộ, ngành, đơn vị chủ trì được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tổ chức triển khai công tác truyền thông chính sách một cách kịp thời, hiệu quả ngay từ giai đoạn lập đề xuất chính sách, soạn thảo VBQPPL đến khi văn bản được ban hành để giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm bắt được chính sách, pháp luật “từ sớm, từ xa” và tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao chất lượng VBQPPL.
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong công tác truyền thông chính sách, các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo VBQPPL cần kịp thời trao đổi với Cục PBGDPL&TGPL để hỗ trợ tổ chức truyền thông chính sách bảo đảm chất lượng và tiến độ .
Về công tác TGPL, Bộ trưởng nhận thấy trong thời gian qua, công tác TGPL đã cơ sự chủ động đổi mới, từ việc xây dựng thể chế, tập trung vào vụ việc, nâng cao chất lượng vụ việc tố tụng đến việc nâng cao vai trò của TGPL trong các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang hướng tới xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp thì Cục PBGDPL&TGPL cần chủ động nắm bắt tình hình và tham mưu lãnh đạo Bộ kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho địa phương.
Đối với công tác hoà giải ở cơ sở, Bộ trưởng nhận định, trong bối cảnh thực hiện chủ trương của đồng chí Tổng Bí thư trong xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật thì vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở là vô cùng quan trọng, góp phần giảm bớt các tranh chấp, mâu thuẫn ngay từ cơ sở, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bình yên của người dân. Vì vậy, công tác này cần có đổi mới trong tư duy và tổ chức thực hiện. Đối với các tỉnh, thành phố thực hiện chỉ đạo điểm của Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở cần được triển khai đúng tiến độ theo kế hoạch bảo đảm thực chất. Không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở địa phương ảnh hưởng đến quá trình triển khai nhiệm vụ.
Về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, Bộ trưởng lưu ý cần sửa đổi, bổ sung Quyết định 25/2021/QĐ-TTg trong thời gian tới theo hướng các tiêu chí gọn và định lượng, không chồng chéo với các bộ tiêu chí khác; sớm rà soát, đề xuất, kiến nghị chỉ áp dụng 01 bộ tiêu chí về đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo thống nhất trên toàn quốc, tránh lãng phí nguồn lực. Thực hiện tốt công tác xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những vấn đề then chốt trong đánh giá trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ trưởng nhấn mạnh mục đích của HTPLDN không chỉ nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp mà còn cần tổng hợp các ý kiến, khó khăn, vướng mắc, đề xuất tháo gỡ từ doanh nghiệp để phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này… Trong thời gian tới tiếp tục có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Đồng thời, rà soát lại các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, lựa chọn nội dung ưu tiên bám sát các nhiệm vụ chính trị lớn của Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng khẳng định mục tiêu của buổi làm việc là cùng trao đổi để làm tốt hơn công việc chung, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi mỗi hoạt động phải được tính toán kỹ lưỡng, hiệu quả cao hơn. Về Đề án Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng đề nghị Cục khẩn trương tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, trong đó đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng trực tuyến và trí tuệ nhân tạo (AI) để thông tin pháp luật, nâng cao hiệu quả PBGDPL, tiếp cận pháp luật của người dân.
Đồng thời lưu ý việc triển khai được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 193 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, do đó cần thiết phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư. Bên cạnh đó, cần tính toán việc tích hợp Hệ thống thông tin PBGDPL với hệ thống thông tin TGPL nhằm tạo sự liên thông, đồng bộ và thuận tiện cho người dân.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, tập thể lãnh đạo Cục cần quán triệt và chuyển tải tư duy đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ, xác định rõ định hướng để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng thời, trong quá trình triển khai kế hoạch công tác, Cục cần chủ động lựa chọn và sắp xếp nhiệm vụ một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, Cục cần tập trung nghiên cứu, tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong cán bộ, nhân dân, trước tiên là có đề cương, định hướng về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này, từ việc tổ chức hội thảo chuyên sâu với từng nhóm đối tượng riêng biệt để nhận diện nội hàm, khái niệm, xác định sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý đến các yếu tố cơ bản cấu thành, nhiệm vu, giải pháp thực hiện. Về công tác truyền thông, Thứ trưởng yêu cầu Cục phối hợp, làm việc với các đơn vị thuộc Bộ, rà soát, xác định rõ nội dung, trách nhiệm thực hiện để phối hợp triển khai có hiệu quả. Các nội dung truyền thông phải có trọng tâm, trọng điểm, bám sát từng giai đoạn, từ khi bắt đầu xây dựng pháp luật, giải thích rõ lý do ban hành, sửa đổi cho người dân hiểu; định hướng rõ mục tiêu, nội dung của từng văn bản, nhất là những văn bản có tác động lớn như dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Việc truyền thông cần minh bạch, đầy đủ, kịp thời.
Đối với chuyển đổi số, Thứ trưởng đề nghị Cục phân loại rõ thành 2 nhóm công việc, một là những dự án đang triển khai phải có kế hoạch chi tiết, xác định rõ tiến độ và trách nhiệm từng khâu; hai là các nhiệm vụ mới phát sinh mà Cục sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Cục PBGDPL&TGPL tập trung về triển khai vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm giải ngân vốn đúng tiến độ, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu cuối năm. Thứ trưởng yêu cầu Cục chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc nghiên cứu, rà soát những điểm nghẽn pháp lý để kịp thời đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật; bám sát tình hình thực tế ở địa phương, kịp thời phát hiện, tháo gỡ vướng mắc, đề xuất giải pháp để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định pháp luật.