Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 đang ở giai đoạn 'tấn công'

(PLVN) - Tư lệnh ngành Y tế nhận định, trong giai đoạn này dịch đang ở giai đoạn tấn công. Đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thực hiện giãn cách xã hội chỉ làm phẳng hoá đường cong của lây nhiễm.
Hình ảnh Hội nghị trực tuyến sáng 30/7 từ các điểm cầu trên cả nước

Các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch lên mức rất cao

Tại Hội nghị trực tuyến sáng nay, 30/7, từ điểm cầu TP HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, thế giới ghi nhận trên 196 triệu ca mắc, trên 4,2 triệu ca tử vong. So với tuần trước đó, số mắc mới trên thế giới tăng 7%, tử vong tăng 8%; tại Đông Nam Á dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc gia tăng tại 7/11 quốc gia.

Một số quốc gia đã tiêm chủng vaccine nhưng vẫn tăng ca mắc, do đó giải pháp mà các nước đang thực hiện là quay trở lại triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp chống dịch đã thực hiện.

Tư lệnh Bộ Y tế nhấn mạnh, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này. Tất cả các quốc gia đều cảnh báo không thể chủ quan với biến thể Delta đang phá vỡ và làm đảo lộn tất cả các thành tựu chống dịch của nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam đã ghi nhận 125.561 ca, trong đó có 124.635 ca trong nước, 28.963 người đã khỏi bệnh, 828 ca tử vong. Cũng trong vòng 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và 6 ngày giãn cách tại TP. Hà Nội, cả nước ghi nhận 74.434 ca mắc.

Có 5/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).

Ông Long nhận định, dịch đang ở giai đoạn tấn công. Đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thực hiện giãn cách xã hội chỉ làm phẳng hoá đường cong của lây nhiễm.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần hết sức lưu ý tình trạng trở nặng của người bệnh sẽ diễn ra ở giai đoạn này và “trong vòng một thời gian ngắn nữa sẽ có nhiều bệnh nhân nặng. Đây chính là đặc điểm dịch tễ của đợt dịch lần này”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tới đây dịch sẽ còn những diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tăng nhanh. Do đó, các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch lên mức rất cao.

Các địa phương phải luôn luôn chuẩn bị tâm thế có thể thực hiện Chỉ thị 16 vào một thời điểm nào đó để chuẩn bị sẵn sàng về công tác y tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tuyệt đối không “chặt ngoài, lỏng trong"

Thời gian qua các địa phương đã tích cực và khẩn trương triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch, như yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 18h, đảm bảo lưu thông hàng hoá và an sinh xã hội, trật tự xã hội...

“Tuy nhiên điều đầu tiên chúng tôi lưu ý các địa phương, đặc biệt các địa phương có nhiều ca mắc tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tuyệt đối không “chặt ngoài, lỏng trong”. Chỉ thực hiện nghiêm “chặt ngoài, chặt trong” mới có thể giảm được ca mắc nếu không sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo Tư lệnh ngành Y tế, các địa phương phải kiên định mục tiêu giảm ca mắc, giảm tỷ lệ tử vong, tăng cường tiêm vaccine. Đồng thời kiên định chiến lược phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị hiệu quả. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới vẫn tiếp tục yêu cầu các quốc gia phải tăng cường xét nghiệm để sớm đưa ca mắc ra khỏi cộng đồng, để kiểm soát lây nhiễm.

Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 16 triệu liều vaccine COVID-19 và đã công khai phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng tốc tiêm chủng.

Liên quan đến điều trị, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề cấp thiết, đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tập trung cao độ cho cơ sở vật chất để chuẩn bị sẵn cho công tác điều trị.

Ngày 29/7, Bộ Y tế gửi Công văn hỏa tốc đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư.

TP HCM phải bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.

Hướng dẫn người dân điền Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, Phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp.

Những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện. Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.

Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.

Đọc thêm