Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hành động của mình không có gì là đặc biệt. “Tôi đăng ký hiến tặng toàn bộ mô, tạng khi chết não vào năm 2013, và thấy chẳng có gì đáng sợ. Trước tôi nhiều người đã đăng ký hiến mô tạng.Tôi cũng chỉ là công dân bình thường. Với cương vị quản lý nhà nước, tôi càng có lý do thúc đẩy nhanh để có nguồn tạng. Hơn thế, tôi còn xung phong làm Chủ tịch Hội vận động hiến ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người.” –bà nói.
Về lý do khiến một Bộ trưởng xung phong hiến tạng, bà lý giải: Nhu cầu ghép tạng ở các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là rất lớn... Hàng chục nghìn người có nhu cầu ghép tạng và chỉ có ghép may ra mới cứu sống được. Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng, nhưng nguồn tạng của chúng ta rất hiếm. Nhiều người còn định kiến về hiến tạng. Ví dụ bệnh nhân tử vong do tai nạn giao thông, chết bất đắc kỳ tử rất nhiều, nhưng người nhà không cho tạng.
"Qua thực tế công việc cho thấy, mấy tuần vừa rồi, Bệnh viện Việt - Đức có hàng chục người chết não, tức đã chết lâm sàng. Nếu như những người này hay gia đình cho phép tham gia hiến tạng thì y tế sẽ lấy (sau nhiều tiêu chuẩn chọn lọc) ghép cho người đang chờ. Tuy nhiên, ở Việt Nam văn hoá cho đi thân thể người thân vẫn còn mới mẻ và cần vận động tuyên truyền nhiều hơn nữa." - bà tâm sự.
Theo quan điểm của Bộ trưởng, hiến tạng giúp cho 3 chủ thể được hạnh phúc: người chết được hiến tạng cứu người; người được ghép tạng được cứu sống; ngành y giúp kết nối người cho và người nhận giành lại sự sống.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ, bà đã đã nhờ các chức sắc tôn giáo như linh mục, hòa thượng giảng về triết lý giáo phái, khuyến khích người dân làm việc thiện, càng hiến tạng, làm việc có ích càng mau được siêu thoát.
Bộ trưởng cũng khẳng định với sự tuyên truyền của truyền thông, mặt trận đoàn thể vận động, sự hưởng ứng của người dân thì việc hiến tặng sẽ ngày càng nhiều. “Ở phương Tây rất dễ nhưng các nước người dân theo đạo Phật thì sợ điều đó.” Bộ trưởng nói./.