Gần 2 giờ đồng hồ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời trực tiếp nhiều câu hỏi của bạn đọc và nhân dân cả nước qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Cuộc đối thoại tập trung vào các vấn đề lớn như tiến độ và chất lượng của các công trình giao thông; giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh; việc đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; phí lưu hành phương tiện giao thông...
Số lượng câu hỏi được chuyển đến Bộ trưởng qua 1g45 phút lên tới hàng ngàn câu, điều này thể hiện độ “nóng” của vấn đề và sự quan tâm rất lớn của người dân đối với Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Bộ trưởng giải thích như thế nào về khoản phí lưu hành phương tiện mà Bộ GTVT đã đề xuất?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây không phải là đề án mới của Bộ GTVT. Tất cả những việc này đã được Chính phủ, Quốc hội đề ra. Bộ GTVT chỉ triển khai để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Một vấn đề mà nhân dân cả nước đều bức xúc, trăn trở.
Tại sao lại thu phí theo cùng một mức mà không phân biệt các xe đã sử dụng với xe mới?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi đã tính toán kỹ khi xây dựng. Chúng tôi không cào bằng mà có tham khảo kinh nghiệm các nước và tình hình thực tiễn của người dân. Đối với xe máy mức bình thường là 500 nghìn đồng 1 năm, mức như vậy là có thể chấp nhận được. Đối với ô tô dưới 2000 phân khối dự kiến là 20 triệu/ năm như vậy cũng không phải là cao.
Một độc giả hỏi nếu Bộ thu phí lưu hành và phí giải quyết ùn tắc mà tình trạng UTGT tại các đô thị lớn ko giảm thì bộ trưởng có tính đến chuyện trả lại cho người dân các khoản phí đã đóng không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Mục tiêu của khoán phí này không chỉ là giảm UTGT mà còn tạo ra một nguồn thu để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khoản phí này mang tính tượng trưng chỉ 500 nghìn/ năm nó thể hiện trách nhiệm khi tham gia giao thông.
Với những người ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, những đóng góp của họ là không tính hết được, khi họ sử dụng hà tầng họ bị thiệt thòi. Vì thế, không có khoản phí này thì chúng ta không có kinh phí để đầu tư cho giao thông nông thôn, biên giới hải đảo vậy thì ai sẽ bảo vệ đất nước. Mục tiêu của chúng ta là giảm UTGT còn giảm như thế nào còn phụ thuộc vào chính chúng ta.
Nụ cười tươi của Bộ trưởng Đinh La Thăng dù phải trả lời trực tuyến hàng ngàn câu hỏi |
Kết quả thực hiện 3 vấn đề Bộ trưởng đã nêu khi nhậm chức?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đó là những vấn đề lớn đồi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Sau 5 tháng nhậm chức hàng ngày tôi nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ nhân dân (cũng có ý kiến phản đối). Thách thức rất lớn, nhiệm vụ nặng nề. Đây cũng là thời cơ để Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ.
Có ý kiến cho rằng việc Bộ trưởng trảm tướng. Bộ trưởng đã bất đắc dĩ phải làm thay nhiệm vụ của các vụ trưởng. Phải chăng bộ máy lãnh đạo đang có vấn đề?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ trưởng là người đứng đầu một Bộ. Có trách nhiệm xử lý các vấn đề đột biến, vấn đề phát sinh. Bộ trưởng không chỉ làm việc lớn, chính khách, Bộ trưởng còn phải làm được cả những việc nhỏ nhất.
Đầu tư kết câu hạ tầng giao thông đang thiếu hụt rất lớn nguồn vốn. Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nhiệm vụ số một của Bộ GTVT là đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, vốn đầu tư bị thắt chặt vì vậy chúng ta phải huy động từ nhiều nguồn, vốn trái phiếu, vốn ODA, vốn huy động từ người dân...
Ngành GTVT cũng phải rà soát các thể chế chính sách để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn có được. Nhiều người dân sẵn sàng đóng các khoản phí khác nhau nhưng họ luôn băn khoăn vốn đó được sử dụng như thế nào, chúng tôi hiểu được điều đó và cố gắng thực hiện có hiệu quả nhất.
Tôi đồng tình với các quan điểm của Bộ trưởng. Nhưng tại sao phí không thu theo số lần lưu thông mà lại thu theo đầu phương tiện gây bức xúc cho người dân. Tiền thu phí sẽ xử dụng như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Có rất nhiều cách thu, chúng ta phải đề xuất cách thu phù hợp. Khi mà chúng ta hiện đại hóa công tác thu phí thì sẽ đảm bảo được sự công bằng. Nhưng bây giờ chúng ta vẫn cần phải thu để có nguồn kinh phí. Về sử dụng nguồn thu, sẽ nộp hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Việc chi như thế nào không phải do Bộ GTVT quyết định.
Trong một tổng thể đầu tư và phát triển giao thông đô thị chúng ta dành bao nhiêu % phương tiện công cộng cho người khuyết tật và người già được tính đến?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không chỉ VN mà ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới đều đã có quy định về giao thông cho người khuyết tật. Hiện nay chúng ta cũng đã đầu tư nhưng chưa thể khẳng định được là dành bao nhiêu %, điều đó phụ thuộc vào điều kiện và thời gian và điều kiện xã hội. Tuy nhiên chúng ta luôn dành ưu tiên cho người khuyết tật, người già.
Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao đang được thực hiện như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông ở HN và TP HCM đến năm 2020, trong đó có đường sắt đô thị. Đường sắt đó sẽ gắn với đường sắt Bắc - Nam. Tuy nhiên, suất đầu tư cho nó rất lớn nên chúng ta cần có thời gian và có thêm nguồn lực. Hà Nội hiện có 8 tuyến, TP HCM có 6 tuyến và chúng ta đang triển khai tuyến Hà Nội- Hà Đông, tuyến Bến Thành- Suối Tiên..
Trong giải quyết UTGT trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT nhưng thẩm quyền xử lý lại thuộc về Bộ công an. Bộ GTVT sẽ giải quyết như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trách nhiệm xử lý UTGT thuộc về UBND các tỉnh thành phố, quyền xử lý vi phạm thuộc về Bộ Công an. Bộ GTVT và các địa phương có trách nhiệm phối hợp. Bộ GTVT không nhất thiết phải trực tiếp xử phạt Bộ quản lý về thể chế, chính sách pháp luật, dùng công cụ kiểm tra giám sát các hoạt động, những gì chưa phù hợp sẽ cập nhật đề xuất sửa đổi. Lâu nay chúng ta vẫn hiểu nhầm vai trò của Bộ GTVT trong giải quyết UTGT và TNGT.
Năm 2012 Bộ trưởng có kế hoạch như thế nào để giải quyết UTGT ở TP HCM?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Giải pháp đột phá là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ đã làm việc với TP HCM về vấn đề này. Chúng ta đã bàn nhiều mà không thực hiện nên chúng ta phải hành động. Đất dành cho giao thông đô thị là 26%, vấn đề nhập cư, vấn đề phương tiện cá nhân... Đó là tổng thể các giải pháp.
Bộ GTVT sẽ chuyển địa điểm và địa điểm cũ ở Trần Hưng Đạo sẽ được sử dụng để xây dựng nhà cao tầng. Điều đó có mâu thuẫn với giải pháp Bộ trưởng đã đề xuất?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, các đơn vị hành chính sẽ chuyển ra ngoại thành. Sau khi chuyển, mặt bằng sẽ giao lại cho UBND thành phố xử lý. Tôi khẳng định không có chuyện tiền hậu bất nhất. UBND thành phố có trách nhiệm làm việc với đơn vị sử dụng đất sao cho hợp lý.
Một bạn đọc hỏi, Bộ trưởng lên nhận chức 5 tháng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, Bộ trưởng có sợ bị cách chức không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi mừng vì những giải pháp đưa ra được sự đồng thuận của nhân dân, xã hội. Đây không phải là những giải pháp mới, bản thân tôi cũng chưa có sáng kiến gì mới mà chỉ thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được đưa ra trước đó. Còn bản thân tôi có sợ mất chức không thì tôi khẳng định là không. Có một độc giả đã gửi thư nói rằng, họ ủng hộ việc làm của tôi, nếu một ngày Bộ trưởng mất chức, chúng tôi xin mời Bộ trưởng về với chúng tôi ...
Yêu cầu chọn nhân lực bổ sung vào Bộ GTVT vừa qua đòi hỏi 5 năm kinh nghiệm như vậy có bỏ sót người tài, bỏ sót những người đã được đào tạo ở nước ngoài nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Việc chọn lựa này dựa vào từng vị trí tuyển dụng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ xem xét lại cho phù hợp để không bỏ sót người tài, nhát là các bạn trẻ khi mới ra trường cũng có cơ hội được thử sức. Tôi sẽ điều chỉnh ngay tiêu chí này và sẵn sàng mời các bạn có năng lực, kiến thức về công tác tại Bộ GTVT.
Được biết Bộ trưởng vừa có chuyến công tác dài ngày tại một số nước, Bộ trưởng có học được kinh nghiệm gì để phát triển ngành GTVT hay không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi đã sang Bỉ, Anh đã đi Lào, Cammpuchia...đã học được cách quy hoạch đô thị, quy hoạch GTVT, cách tổ chức quản lý phương tiện, hệ thống giao thông công cộng. Ngay như sang Lào chúng tôi học hỏi được ý thức tham gia giao thông của người Lào. Đơn cử như họ rất ít sử dụng còi, điều này ở Hà Nội và TP HCM chưa làm được. Hay việc quản lý giao thông bằng hình ảnh, nộp tiền qua hệ thống, sẽ hạn chế tiêu cực...
Sân bay Đà Nãng vừa hoàn thành đã dột, một số công trình đã tăng tốc, nhưng còn nhiều công trình nhỏ, Bộ trưởng không thể đi kiểm tra hết, vậy Bộ trưởng có gì để khắc phục?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Sân bay Đà Nẵng chậm tiến độ 2 năm chứ không phải đảm bảo tiến độ mà vẫn dột. Thiết kế cảng hàng không Đà Nẵng là của nước ngoài, chưa phù hợp với tập quán của người Việt Nam ( đưa đón người thân nhiều) vì vậy, chủ đầu tư đã phải điều chỉnh và lắp mái che. Phần mái che dột không phải là hạng mục chính của nhà ga. Bộ GTVT đã chỉ đạo khắc phục xong trước 15-1-2012.
Vấn đề tiến độ và chất lượng công trình đang là vấn đề nhức nhối. Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thể chế, chính sách quản lý, tăng cường phân cấp quản lý giám sát. Ngoài ra nhân dân và báo chí cũng là một kênh giám sát hiệu quả.
Ông có cảm thấy bị làm phiền khi các phóng viên săn đón để lấy thông tin?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Với phóng viên tôi luôn cởi mở, sẵn sàng cung cấp thông tin. Tuy nhiên, cũng có trưởng hợp tôi cảm thấy bức xúc. Như câu chuyện "Bộ trưởng không thể đi xe buýt", phóng viên phản ánh không đầy đủ, sai sự thật. Tôi thừa nhận chất lượng xe buýt chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng không phải "tôi không thể đi được xe buýt ", mà do đặc thù công việc phải đi họp, đi công tác nước ngoài nên không thể đi xe buýt thường xuyên. Việc nhà báo thông tin không đúng nội dung cuộc nói chuyện và cách đưa tin một chiều dấn đến việc công chúng hiểu nhầm. Chính vì thế, tôi đề nghị các phóng viên, nhà báo cần phải cân nhắc khi đăng tải thông tin.
Xin Bộ trưởng cho biết lộ trình khắc phục tình trạng ô tô, xe máy cháy nổ chưa rõ nguyên nhân?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hiện nay, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công an đang tiến hành điều tra tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng cháy xe. Khi tìm được nguyên nhân cụ thể chúng ta sẽ xác định được đơn vị nào phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, về lâu dài ngành GTVT với trách nhiệm quản lý nhà nước về GTVT, đăng kiểm phương tiện cơ giới, chúng tôi đã giao cho Cục đăng kiểm nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, sẽ quy được trách nhiệm cụ thể từ việc sản xuất. lắp ráp, bảo dưỡng...
Việc thay đổi giờ làm, hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí lưu hành phương tiện... là những giải pháp góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, nhưng bao giờ hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Những giải pháp nêu ra đều là những giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện để góp phần giảm thiểu UTGT và TNGT. Tuy nhiên, không phải các giải pháp đã được đưa ra có thể làm giảm ngay lập tức tình trạng UTGT và TNGT, cần có những giải pháp đồng bộ và có lộ trình. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân ngày một cao, khả năng đáp ứng có hạn, tôi cũng không thể trả lời đến bao giờ.
Quan điểm và chỉ đạo của Bộ trưởng thế nào về một số con đường ở địa phương đang xuống cấp, lâu ngày không được sửa chữa?
Bộ trưởng ĐInh La Thăng: Nguyên nhân dẫn đến hư hỏng đường giao thông nông thôn có nhiều. Một trong số đó là tiền dành cho duy tu bảo dưỡng hạn chế. Vì thế, Bộ GTVT đề xuất thu phí bảo trì đường bộ, để duy tu bảo dưỡng định kỳ. Cùng với đó là việc nâng cao công tác quản lý, phân cấp bảo dưỡng, sửa chữa và cần cả sự giám sát của nhân dân và báo chí.
Bộ trưởng đang chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng cấp dưới của Bộ trưởng lại cho phép các phương tiện vận tải " trá hình" hoạt động, đơn cử như xe đưa đón CBCNV nhưng lại đi chở khách, Bộ trưởng có thể
kiểm chứng điều này ở đường Nguyễn Khoái?
Về việc này đến bây giờ tôi mới biết. Tôi xin tiếp thu và sẽ chỉ đạo kiểm tra, đồng thời sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý nghiêm và công khai trên báo chí.
Trước đây khi ở Tập đoàn Dầu Khí Bộ trưởng thường ăn tết tại công trường, năm nay Bộ trưởng có ý định sẽ đón tết tại công trường nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không chỉ riêng ở Tập đoàn Dầu khí, mà tước đây khi còn ở Tập đoàn Sông Đà, tôi và các đồng chí lãnh đạo khác đều phân công nhau đón giao thừa cùng với anh em công nhân. Ngành GTVT đang triển khai nhiều dự án, chúng tôi đã phân công lãnh đạo tham dự lễ ra quân đầu năm, đi chúc tết công nhân. Cá nhân tôi, dự kiến sẽ đi chúc tết CSGT, VOV giao thông, Cảng hàng không Phú Quốc... Tuy nhiên, đó mới là dự định, kế hoạch có thể thay đổi.
Bộ trưởng nghĩ sao về tình trạng cầu đường đang bị phả hỏng do xe quá tải quá khổ ?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây là một câu hỏi hoàn toàn đúng thực tế. Bản thân tôi cũng thấy bức xúc và xót ruột trước vấn đề này. Vừa rồi chúng tôi đã chỉ đạo phân luồng, phân làn, thiết lập hệ thống cân tải trọng. Xe nào quá tải trọng kiên quyết phải sang tải hoặc phải vận chuyển bằng phương tiện khác như đường sắt, đường thủy.
Tình trạng giao thông ở xã Trà Mi, Quảng Nam sửa chữa chậm làm cho lương thực, hàng tết đến người dân khó khăn, Bộ trưởng sẽ giải quyết thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hiện nay tuyến đường này đang bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện. Chúng tôi đã họp, yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu nhanh chóng hoàn trả lại đường phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi trong dịp tết.
Việc phân làn trên một số tuyến phố ở Hà Nội sẽ được thực hiện đến khi nào và tại sao không phân làn bằng các dải phân cách mềm để giản thiểu tai nạn giao thông?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tùy từng điều kiện cụ thể của từng tuyến đường sẽ có cách tổ chức giao thông, cách phân làn, đặt biển báo, biển chỉ dẫn hợp lý. Điều này theo tôi phải được thực hiện lâu dài.
Liệu còn tình trạng quá tải do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch cảng biển, cảng hàng không thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Để đảm bảo nhu cầu giao thông trong cả nước chúng ta phải phát triển đồng bộ các loại hình giao thông. Cả nước có 39 cảng biển, 22 cảng hàng không. 100% cảng biển và cảng hàng không đang sử dụng hết công suất. Điều này chứng tỏ việc dự báo, quy hoạch chưa tốt. Nhiều cảng hàng không đang được mở rộng như T2 Nội Bài, Phú Bài, Cam Ranh; Cảng Cái Mép, Thị Vải, Vân Phong...
Xin Bộ trưởng cho biết quy trình quản lý đấu thầu công trình giao thông? Làm thế nào để đảm bảo chất lượng nhà thầu? chống thất thoát vốn?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Quy trình được quy định trong luật đấu thầu nhưng đã có nhiều bất cập cần sửa đổi. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đã hạn chế các doanh nghiệp giao thông tham gia, vì thế, các nhà thầu nước ngoài trúng thầu. Chúng tôi đang tìm những giải pháp để các nhà thầu trong nước có thể tham gia thắng thầu và nâng cao chất lượng công trình.
Tình trạng xe khách chèn ép khách, tùy tiện tăng giá vé trong dịp tết, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi đã cho thanh kiểm tra việc bán vé máy bay, tàu hỏa, việc xe khách chở quá số người quy định và đã có văn bản chấn chính. Đặc biệt đã đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đề nghị nhân dân phải đấu tranh với lái phụ xe, không đi xe quá tải, quá số người quy định. Không tiếp tay cho hành vi vi phạm.
Ông cảm thấy thế nào về cuộc đối thoại hôm nay? Ông có lường trước được những vấn đề mà độc giả đặt ra không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Những băn khoăn lo lắng, bức xúc của người dân là chính đáng. Tình hình giao thông hiện nay gây cho người dân nhiều bức xúc. Nhiều câu hỏi hôm nay tôi chưa thể trả lời hết được, nhưng tôi hy vọng nhân dân sẽ chia sẻ và ủng hộ ngành GTVT. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, những giải pháp mà Bộ GTVT đang thực hiện lẽ ra phải được thực hiện từ 10 năm trước.
Nhân dịp năm mới Nhâm Thin - 2012, tôi gửi lời chúc khán thính giả và nhân dân cả nước mạnh khỏe, đón năm mới hạnh phúc và an toàn. Đảm bảo TTATGT là trách nhiệm của mỗi người dân.
Theo GTVT