Chiều 3/11, giải trình một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn sự quan tâm góp ý, phản biện của các đại biểu Quốc hội, cử tri trong cả nước về các vấn đề của giáo dục nói chung, đặc biệt là việc triển khai chương trình sách giáo khoa (SGK) mới nói riêng.
Cung cấp thêm thông tin về chủ trương đổi mới căn bản toàn diện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ trưởng Nhạ cho biết, lần này là thực hiện “một chương trình, nhiều SGK”. Theo đó, đổi mới căn bản từ chương trình, mục tiêu, nội dung, phương pháp đến tất cả các yếu tố thực hiện.
|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. |
Trong đó, SGK là tài liệu để thể hiện chương trình. Khác với các lần đổi mới trước – tập trung vào đổi mới SGK thì lần này là đổi mới chương trình, sau đó là đổi mới SGK, với chương trình tổng thể, chương trình các môn học, nhóm tác giả xây dựng SGK.
Triển khai Nghị quyết 88 về chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” và xã hội hóa SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định và phê duyệt 46 SGK thuộc 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản (NXB). Hiện các sách này đều được các nhà trường lựa chọn, đưa vào sử dụng.
Về Sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều được cử tri và nhân dân quan tâm, Bộ Giáo dục có kiểm tra và theo ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học thì thấy trong Sách có những dữ liệu chưa thật sự phù hợp. Bộ đã yêu cầu nhóm tác giả, Hội đồng thẩm định, NXB nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và đang được chỉnh sửa cho phù hợp với lứa tuổi, tâm lý học sinh lớp 1.
Còn các bộ sách khác đang triển khai thì Bộ cũng chỉ đạo tất cả NXB phải rà soát. Theo Điều 9 Thông tư 33 về SGK và kinh nghiệm triển khai trước đây cũng như kinh nghiệm thế giới, SGK được hiệu đính và chính sửa thường xuyên, cho phù hợp với thực tiễn.
Căn cứ thực tiễn 1 năm thực hiện Nghị quyết 122 thì Bộ Giáo dục đã tổng kết và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhân dân cùng với đội ngũ giáo viên giảng dạy để tiếp tục rà soát, hoàn thiện hơn SGK.
Báo cáo về chủ trương đổi mới chương trình, đặc biệt là SGK theo lộ trình 5 năm, Bộ trưởng Nhạ cho hay, đây mới là năm đầu tiên với quy mô 5 bộ, 46 cuốn. Cả ngành Giáo dục đã rất cố gắng nhưng khó tránh khỏi thiếu sót nên Bộ Giáo dục xin lắng nghe, hoàn thiện ngày càng tốt hơn.
Riêng vấn đề ép học sinh mua sách, theo Bộ trưởng, SGK là tài liệu được sử dụng chính thức và bắt buộc, còn sách tham khảo là không bắt buộc. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã cùng ngồi lại với các Bộ trưởng: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Thông tin và Truyền thông để tăng cường quản lý sách nhập lậu, sách không đảm bảo chất lượng để bảo đảm thị trường sách được tốt hơn.
Đồng thời, Bộ Giáo dục cũng ban hành Thông tư 21, trong đó nói rõ không ép học sinh mua sách tham khảo bằng các hình thức nào. “Rất tiếc thời gian vừa qua, cá biệt có một số nhà trường chưa thực hiện nghiêm”, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận và cho biết đã chỉ đạo các địa phương cũng như trực tiếp thanh tra, chấn chỉnh.
Tới đây, Bộ Giáo dục sẽ sửa Thông tư 21 theo hướng tăng thêm chế tài để quản lý thật chặt sách tham khảo, bảo đảm SGK sử dụng trong nhà trường được ổn định.
Đối với giá SGK lớp 1 cao hơn 2 lần, Bộ trưởng nêu lý do là SGK lớp 1 mới biên soạn theo chương trình phổ thông mới theo cách tiếp cận phẩm chất và năng lực, số trang nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, màu sắc tốt hơn. Hơn nữa, SGK thực hiện theo chủ trương xã hội hóa nên không được trợ cấp biên soạn. Do vậy, giá thành cao hơn.
Bộ Giáo dục đã đề nghị giảm chi phí, giá thành thì các NXB đã giảm 2 - 3 lần. Phương án giá, trình bày phương án duyệt giá cũng được Bộ Tài chính xem xét và chấp thuận.
Bộ Giáo dục cũng phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội đưa mặt hàng SGK vào danh sách mặt hàng Nhà nước bình ổn giá. Quốc hội chỉ đạo phải sửa Luật Giá và Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát sửa Luật Giá để đưa mặt hàng SGK vào danh mục bình ổn giá.
Cũng trong phiên thảo luận ngày 3/11, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) chia sẻ, việc biên soạn SGK là vấn đề rất lớn. Có thể nói ngành Giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng có một số thiếu sót không tránh khỏi, song không phải sai sót quá nghiêm trọng mà chỉ là một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp.
“Không phải sai sót đến mức như có đại biểu nói là phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hóa việc sai sót này”, Đại biểu Phương lưu ý và quan niệm, chúng ta phải hết sức cẩn trọng nếu không gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong nhân dân, cử tri. Những thiếu sót trong SGK chỉ ở dạng chưa thật sự phù hợp, những việc này có thể điều chỉnh và sửa được ở trong lần tái bản tiếp theo.
Đại biểu Phương nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các địa phương, khi các cô giáo triển khai giảng bài, những bài có liên quan đến ngữ liệu này thì cần có điều chỉnh cho phù hợp, “chứ chúng ta không nên hiểu đây là vấn đề sai phạm gì mà chuyển đến cơ quan điều tra”.